Tỷ phú huỳnh đàn người Hrê

04:05, 13/05/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Quả không ngoa khi nói ông Phạm Văn Nấu (57 tuổi), người Hrê ở xã Ba Tiêu (Ba Tơ) là tỷ phú huỳnh đàn, bởi ông đang sở hữu vườn huỳnh đàn cả vài trăm cây lớn, nhỏ và vườn ươm giống đến vài nghìn cây.

TIN LIÊN QUAN

Vườn cây bạc tỷ
 
Men theo con đường đất gồ ghề sâu hút dưới chân núi bên triền sông Liên, chúng tôi tìm đến nhà của ông Nấu ở làng Krầy, thật ngạc nhiên trước cơ ngơi là ngôi nhà lầu 2 tầng bề thế giữa đại ngàn heo hút. Ngay từ cổng vào, những tán cây huỳnh đàn tỏa tán sum suê, mát rượi. 
 
Gần 30 năm về trước, trong những lần đi rừng ở khu vực đèo Violắc- nơi giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Kon Tum phát hiện cây “lạ” mọc lên rất nhiều mà ở làng chưa bao giờ thấy, bụng nghĩ dạ cây “lạ” này có thể là loài cây quý hiếm, chỉ có thể thích nghi được với thỗ nhưỡng của vùng có độ cao hơn cả 1.000m so với mực nước biển.
 
Vợ chồng ông Nấu cùng bà con trong làng đi kiếm nhổ về trồng ở vườn nhà với suy nghĩ không được cây thì cũng được gỗ. Cả 100 cây con gửi gắm vào lòng đất chỉ sống được 6 cây. 20 năm trời trồng và chăm sóc chúng, ông Nấu tuyệt nhiên không biết nó là loài cây đặc biệt quý hiếm.
 
Mãi đến 10 năm trước, bắt đầu rộ lên cơn “sốt” gỗ huỳnh đàn, thương lái lùng sục khắp các núi rừng đào bới, tìm mua, ông Nấu mới biết đó chính là cây mà mình đang trồng và tiếp tục đi tìm và gầy giống trồng khắp vườn nhà.
 
 
Cây huỳnh đàn gần 30 năm tuổi của gia đình ông Nấu.
Cây huỳnh đàn gần 30 năm tuổi của gia đình ông Nấu.

Dẫn chúng tôi thăm vườn huỳnh đàn rộng 4.000m2, ông Nấu thuộc lầu lầu năm tuổi của từng cây, ông Nấu kể: Trong số cả 100 cây huỳnh đàn ông trồng gần 30 năm về trước sống sót được 6 cây. Ông đã bán 4 cây thu về hơn 500 triệu đồng.

Chỉ tay về phía hai cây huỳnh đàn đỏ cao chót vót, vòng ôm khoảng 80cm bên hiên nhà, ông Nấu khoe: “Hai cây này là già tuổi nhất, to nhất, quý nhất ở đây, nếu bán cũng 600 đến 700 triệu, nhưng cả nhà không ai đồng ý bán, để làm giống”.
 
Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ loại cây này, ông Nấu tiếp tục phát rẫy trồng huỳnh đàn. Hiện tại, ông sở hữu 2 vườn huỳnh đàn rộng gần 1ha và lấy quả từ cây huỳnh đàn gần 30 năm tuổi ươm giống cây con để bán cho người dân và thương lái. Mỗi năm gia đình ông Nấu còn cung ứng ra thị trường cả 1.000 cây huỳnh đàn, với giá bán 35.000 đồng/cây con, ông thu về vài chục triệu đồng. 
 
Nhờ huỳnh đàn mà gia đình ông đã thoát nghèo, xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang, bề thế nhất làng. Ông Nấu chia sẻ: “Nếu có tư tưởng ăn xổi ở thì, làm sao có vườn cây như thế này? Ỏ đây chỗ nào đất trống là bà con trồng keo, còn mình lại thích trồng đa dạng cây trồng. Ai cũng trồng keo thì lấy đâu ra gỗ?”.
 
Vượt qua mọi cám dỗ
 
Hai vườn huỳnh đàn của ông Nấu nếu tính thành tiền hiện lên đến tiền tỷ. Nếu vài chục năm sau, giá trị của nó lớn gấp cả trăm lần. Thế nhưng, ít ai  biết rằng, để giữ được vườn huỳnh đàn trong lúc thương lái đang lùng sục khắp các núi rừng săn huỳnh đàn, gia đình ông Nấu phải vượt qua mọi cám dỗ từ thương lái, đầu nậu.
 
 
Mỗi năm ông Nấu thu vài chục triệu đồng từ vườn ươm.
Mỗi năm ông Nấu thu vài chục triệu đồng từ vườn ươm.
 
Ông Nấu cho hay, trong làng có rất nhiều gia đình sở hữu cây huỳnh đàn đỏ lâu năm quý hiếm như gia đình ông, nhưng không giữ được, vì không biết giá trị thật của nó nên đã bán cho thương lái với giá bèo hoặc đổi bằng các vật dụng trong gia đình. 
 
Người thì đổi một chiếc tivi, người thì tủ lạnh, dàn karaoke, nhiều nhất là chiếc xe máy, riêng gia đình ông dù vừa xây dựng nhà, thiếu tiền phải vay ngân hàng vài trăm triệu, nhưng nhất quyết không bán để giữ vườn cây làm giống. Nhiều người dân địa phương còn nghĩ vợ chồng ông Nấu “dở hơi” chê tiền.
 
“Suốt ngày hết người này đến người khác, cả người ở tận Hà Nội đánh xe tải vào tận nhà hỏi mua, dòm ngó, bày mưu kế chặt trộm, tôi phải cử con ở nhà canh gác và rào kẽm gai. Họ bảo bán đi rồi họ cho giống khác trồng. Mấy chục năm trồng huỳnh đàn, chỉ cần nhìn là tôi biết giống người ta mang đến cho không có giá trị như ở mình. Cây con của họ không có mùi đặc trưng như cây của mình”- vợ ông Nấu bày tỏ.
 
Vượt qua mọi cám dỗ, vườn huỳnh đàn của gia đình ông Nấu ngày càng được mở rộng, xanh mướt. Gia đình ông Nấu là một trong những hộ gia đình sở hữu số lượng huỳnh đàn nhiều nhất và là hộ có mô hình ươm huỳnh đàn giống được đầu tư công phu nhất huyện Ba Tơ.
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 
 

.