Thành lập tổ khai thác cát thủ công: Bài học kinh nghiệm từ Đức Nhuận

07:05, 12/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi các địa phương khác đang loay hoay  hướng dẫn các hộ dân khai thác cát thủ công thành lập tổ, hoặc hợp tác xã để chuyển từ khai thác tự phát sang khai thác hợp pháp, thì UBND xã Đức Nhuận và huyện Mộ Đức đã giúp 40 hộ khai thác cát thủ công ở thôn 3, thôn 4, xã Đức Nhuận hoàn thành mọi thủ tục và thành lập được tổ khai thác cát thủ công chỉ trong thời gian ngắn.

Hơn 30 năm qua, khai thác cát thủ công trên sông Vệ là nghề mang lại thu nhập chính cho 40 hộ dân ở thôn 3, thôn 4, xã Đức Nhuận (Mộ Đức). Song, người dân chỉ khai thác tự phát, manh mún và nhỏ lẻ, chứ chưa hề có giấy phép khai thác.

 40 hộ dân làm nghề khai thác cát ở xã Đức Nhuận từ nay đã có thể
40 hộ dân làm nghề khai thác cát ở xã Đức Nhuận từ nay đã có thể "danh chính ngôn thuận" khai thác cát hợp pháp.

Tháng 6.2016, sau khi UBND tỉnh ban hành cơ chế mở, hướng dẫn người dân khai thác cát bằng phương pháp thủ công thành lập tổ sản xuất để có thể “danh chính ngôn thuận” đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác cát phục vụ dân sinh, UBND xã Đức Nhuận đã tiến hành họp 40 hộ khai thác cát thủ công và nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các hộ dân. Bà Nguyễn Thị Bằng, một trong 40 hộ dân khai thác cát thủ công ở Đức Nhuận, cho biết: “Trước đây, khi khai thác cát tự phát, chúng tôi làm lén lút, nên phải làm ban đêm, cực khổ lắm. Bởi vậy, khi nghe có chủ trương Nhà nước cho thành lập tổ, đội để khai thác hợp pháp, tôi đồng ý ngay“.

Sau khi 100% hộ khai thác cát thủ công đều đồng ý thành lập tổ khai thác, UBND xã Đức Nhuận đã “bắt tay” ngay vào việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân nhanh chóng hoàn thành các thủ tục thành lập và xin giấy phép. “Nếu để người dân “tự bơi” với các thủ tục, thì với tâm lý vẫn còn e ngại khi thực hiện các thủ tục pháp lý, có thể người dân sẽ khó chạm tay được đến giấy phép khai thác khoáng sản. Vì vậy, trách nhiệm của địa phương là phải hỗ trợ tối đa cho người dân, thay người dân thực hiện mọi thủ tục cần thiết”, ông Huỳnh Văn Ảnh - Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận cho biết.

Chính quyền địa phương đã cử cán bộ chuyên môn tiến hành đo vẽ, đánh giá trữ lượng và cắm mốc khoanh vùng khai thác; sau đó xây dựng phương án khai thác, hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, giúp người dân hoàn thành hồ sơ cấp phép. “Người dân chúng tôi quanh năm chỉ làm ruộng và tự phát khai thác cát, chứ đâu rành về thủ tục, nên khi nghe phải đánh giá trữ lượng rồi trình bày phương pháp cải tạo môi trường... chúng tôi rất hoang mang. Sau đó, nghe cán bộ xã sẽ giúp mình thực hiện các thủ tục, ai nấy đều thở phào”, bà Bùi Thị Thúy Liễu, tổ trưởng tổ khai thác cát thủ công Đức Nhuận vui mừng bảo.

Nhờ sự đồng hành của chính quyền địa phương và tinh thần đồng thuận của người dân, mà từ chỗ khai thác cát tự phát, đến tháng 5.2017, 40 hộ khai thác cát thủ công ở Đức Nhuận đã thành lập được 2 tổ khai thác cát thủ công và khai thác cát hợp pháp. Nhờ đó, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn được chặt chẽ hơn.

 Đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và người dân khai thác cát thủ công xã Đức Nhuận, Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải, cho biết: “Mặc dù chủ trương hướng dẫn các hộ khai thác cát thủ công thành lập tổ hoặc HTX để có thể tiến tới thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác cát phục vụ dân sinh đã có từ năm 2016. Song, từ đó đến nay chỉ có Đức Nhuận thực hiện được”. 

Vì vậy, ông Hải đề nghị các địa phương khác cần tích cực, quyết liệt hơn nữa trong vận động người dân và giúp người dân hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết, để nhanh chóng thành lập tổ, đội khai thác hợp pháp, góp phần giúp chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.