Săn "lộc", hủy diệt hệ sinh thái biển

03:05, 04/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôm hùm nhí, rong mơ là những loại hải sản có giá trị kinh tế cao, nên được người dân gọi là “lộc” biển. Tuy nhiên, việc khai thác “lộc” biển theo kiểu tận diệt đã và đang tác động xấu đến hệ sinh thái biển ven bờ.

TIN LIÊN QUAN

Việc khai thác tôm hùm giống tự nhiên và rong mơ tràn lan đã gây ra nhiều hệ lụy, đặt ra thách thức cho ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương trong việc khai thác, quản lý, để vừa đảm bảo sinh kế cho người dân, vừa bảo tồn và phát triển nguồn lợi.

Ngư dân săn “lộc” biển

Tôm hùm giống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nên nguồn cung khan hiếm, kéo theo giá bán cao. Có thời điểm, một con tôm hùm nhí có giá 400.000-500.000 đồng, nên người dân ồ ạt khai thác. Ông Nguyễn Hải, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho biết, trước và sau Tết Nguyên đán, ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ thường tập trung đi bắt tôm hùm nhí. “Nếu trúng “lộc”, ngư dân có thể kiếm tiền triệu mỗi đêm”, ông Hải cho biết.

Khai thác rong mơ tràn lan là nguyên nhân gây mất cân bằng hệ sinh thái biển, giảm nguồn lợi hải sản gần bờ.
Khai thác rong mơ tràn lan là nguyên nhân gây mất cân bằng hệ sinh thái biển, giảm nguồn lợi hải sản gần bờ.


Còn tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), nghề săn tôm hùm nhí cũng phát triển mạnh trong những năm vừa qua. Ông Phạm Thu, thôn Kỳ Ân cho biết, từ tháng 10 âm lịch hằng năm, ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ để "săn" tôm nhí. Tuy nhiên, vụ tôm nhí năm 2016-2017, ngư dân Tịnh Kỳ thất thu. Theo Chi cục Thủy sản, đây là hệ quả của việc ngư dân đánh bắt ồ ạt, khiến hàng triệu con tôm hùm con bị bắt, chết mỗi năm.

Cùng với tôm hùm nhí, rong mơ cũng rơi vào tình trạng bị "bức tử". Vào mùa thu hoạch, bãi biển các xã Bình Trị, Bình Hải, Bình Châu... (Bình Sơn) rong mơ phơi khắp các con đường, kể cả bãi biển. Với giá bán 6.000-7.000 đồng/kg khô, rong mơ cũng được ngư dân xếp vào loại “lộc” biển. “Bình quân mỗi ngày tôi thu được 3-5 tạ rong tươi, kiếm được 1-1,5 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Thu, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải cho biết.
 

Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020, tổng sản lượng tôm hùm nuôi lồng đạt khoảng 2.000 tấn/năm, giá trị hàng hóa đạt 3.200 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030, sản lượng nuôi lồng tăng lên 2.200 tấn/năm, giá trị hàng hóa 4.300 tỷ đồng/năm. Nếu sản xuất được 1 triệu con giống nhân tạo, đảm bảo nhu cầu nuôi thương phẩm.

Hệ sinh thái biển kêu cứu

Với hệ sinh thái biển, rong mơ không chỉ là “máy điều hòa”, mà còn là nơi trú ẩn của nhiều loại hải sản. Vì vậy, việc ngư dân khai thác kiểu tận diệt, đã và đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển. Hệ lụy trước mắt là nguồn tôm hùm nhí, rong mơ và nguồn lợi hải sản ven bờ suy giảm nghiêm trọng. Ngư dân Nguyễn Xuân Bành, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cho biết, trước đây, rong mơ ở gành đá Phú Quý dày như rừng, nên hải sản rất nhiều. Nhưng chục năm nay, khu vực này chỉ còn... trơ đá!

Còn theo thống kê của Tổng Cục Thủy sản, mỗi năm có hơn 1 triệu con tôm hùm nhí bị chết do ngư dân lặn bắt, dùng bẫy hoặc lưới mành để bắt. Dù Bộ NN&PTNT quy định, chỉ được phép khai thác tôm hùm nhí có trọng lượng tối thiểu là 160g, nhưng với hình thức khai thác bằng lưới mành, nhiều tôm hùm giống bị bắt ở giai đoạn tôm non, trọng lượng có khi chỉ đạt dưới 100g, nên tỷ lệ sống rất thấp.

Chi cục phó Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn cho rằng, đáng lo ngại nhất là tình trạng ngư dân khai thác san hô làm bẫy tôm hùm nhí. Lợi dụng đặc tính của tôm hùm nhí là trú ngụ ở các rạn san hô, rong biển, nên ngư dân dùng san hô làm bẫy, nhử tôm hùm chui vào ẩn nấp. “Cách khai thác này đã phá vỡ môi trường sống của các loại hải sản có kích thước nhỏ khiến hệ sinh thái biển mất cân bằng, kéo theo nguồn lợi hải sản ven bờ cạn kiệt”, ông Toàn cho biết.

Trước thực trạng này, xã Bình Châu đã thành lập tổ tự quản bảo vệ tài nguyên biển dựa vào cộng đồng, nhằm tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức bảo vệ, khai thác tài nguyên biển cho người dân. Mô hình này cũng đã được nhân rộng ở 26 xã ven biển. Riêng huyện đảo Lý Sơn đã cấm khai thác rong mơ dưới mọi hình thức.
 

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.