Ngư dân "làm khó" công tác bảo hộ công dân

05:05, 31/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh những ngư dân nỗ lực vươn khơi xa bám biển làm giàu, thì vẫn có không ít tàu của ngư dân lén lút xâm phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép. Hành động này không chỉ khiến họ đối mặt với nhiều rủi ro, mà còn “làm khó” công tác bảo hộ công dân.

Điều đáng chú ý là phần lớn ngư dân vi phạm là hành nghề lặn. Chấn chỉnh tình trạng này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho ngư dân, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương không cấp phép đóng mới tàu hành nghề lặn trong giai đoạn hiện nay.

Ngư dân chủ quan

“Đi biển hoài không có thời gian nghiên cứu”; “Kiến thức biển đảo có giúp được gì cho ngư dân đâu mà phải tìm hiểu”; “Nội dung tài liệu về biển, đảo vừa dài vừa khó hiểu”... Đó là những lý do mà ngư dân không quan tâm tìm hiểu những vấn đề liên quan như: Một số ngư trường được và không được khai thác ở các nước; ngành nghề nên và không nên phát triển; chế tài xử phạt đối với việc vi phạm vùng biển khai thác.

 Không chỉ đối mặt với nhiều rủi ro, việc ngư dân xâm phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản còn
Không chỉ đối mặt với nhiều rủi ro, việc ngư dân xâm phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản còn "làm khó" công tác bảo hộ công dân (Ảnh minh họa).


Điển hình như ngư dân Đỗ Duy C., ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) khi bị lực lượng chức năng của Úc bắt giữ vì khai thác hải sâm trái phép, ông C. cho rằng: “Tôi không biết đó là khu vực cấm khai thác hải sản”. Đến khi bị chính quyền nước sở tại bắt giữ, tịch thu tài sản và  xử lý, ông C. cầu cứu lực lượng chức năng bảo hộ, giúp đỡ.
 

“Nghị định 103 quy định, ngư dân xâm phạm vùng biển các nước bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng sau khi về nước. UBND tỉnh cũng sẽ thu hồi giấy phép khai thác có thời hạn; đồng thời không thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48 của Chính phủ đối với những tàu xâm phạm vùng biển các nước. Những chế tài xử phạt này chưa đủ sức răn đe, nên ngư dân vẫn bất chấp, vi phạm các quy định về khai thác hải sản”.
Chi cục phó Chi cục Thủy sản PHÙNG ĐÌNH TOÀN

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, năm 2016, toàn tỉnh có 41 tàu/558 lao động bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ. Ngoài ra, thời gian gần đây, ngư dân trong tỉnh khi khai thác hải sản còn xâm phạm vùng biển của các quốc đảo xa ở Thái Bình Dương. Xảy ra thực trạng này, một phần vì ngư dân chủ quan, bất chấp nguy hiểm; phần vì trữ lượng nguồn lợi hải sản trong nước giảm mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, nên họ phải tìm kiếm những ngư trường mới. “Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng chưa công bố trữ lượng hải sản, cũng như ranh giới khai thác trên các vùng biển Việt Nam. Vì vậy, lắm lúc ngư dân xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền các mước khác trong quá trình khai thác hải sản mà không biết”, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn cho biết.

Bất chấp khuyến cáo

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngư dân trong tỉnh vẫn nỗ lực vươn khơi, tìm kiếm ngư trường ở những khu vực được phép khai thác. Song, vẫn có nhiều tàu hành nghề lặn lại tự ý thay đổi hải trình, đến vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép. Hành động này khiến công tác bảo hộ công dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đại diện Chi cục Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, khi ngư dân bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ vì khai thác hải sản trái phép, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng nỗ lực đàm phán để hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất. Tuy nhiên, bảo hộ công dân cũng phải tuân thủ và tôn trọng luật pháp khu vực, quốc tế. Vì vậy, nếu ngư dân cố tình vi phạm, bị lực lượng chức năng nước sở tại xử phạt, tổn thất về kinh tế là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vì giá trị hải sâm mang lại quá lớn, nên nhiều ngư dân vẫn bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng. Vì vậy, hiện nay Quảng Ngãi vẫn là một trong 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng tàu cá xâm phạm vùng biển các nước.


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.