Tín dụng đang "chảy mạnh" vào kinh tế biển

07:04, 30/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kinh tế biển là một trong những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nên các ngân hàng rất “dè chừng” khi cho vay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước những khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, tăng trưởng dư nợ, nhiều ngân hàng đã xem đây là thị trường tiềm năng và đã mạnh dạn cho vay, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng tín dụng.

TIN LIÊN QUAN

Vay vốn đóng tàu to

Hì hục với những công đoạn lắp ráp chiếc tàu có công suất 410CV, ông Phan Trãi, thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh cho biết: “Để có đủ tiền đóng tàu mới này, tôi đã vay của Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi 2 tỷ đồng. Cũng nhờ ngân hàng họ thẩm định giá cho vay cao mình mới đóng được tàu, chứ nếu đợi vốn tự có thì chẳng biết bao giờ mới có tàu. Có tàu to thì hiệu quả đánh bắt sẽ cao hơn”. Theo chia sẻ của ông Trãi thì năm 2013, ông cũng đã vay vốn của ngân hàng, với số tiền gần 1 tỷ đồng để đóng chiếc tàu có công suất 330CV. Nhờ đánh bắt hiệu quả, năm 2016, ông Trãi đã trả hết nợ cho ngân hàng và đóng thêm tàu lớn vươn khơi.

Từ nguồn vốn vay hàng tỷ đồng của ngân hàng, ngư dân đã đóng được tàu lớn để vươn khơi.
Từ nguồn vốn vay hàng tỷ đồng của ngân hàng, ngư dân đã đóng được tàu lớn để vươn khơi.


Cách tàu ông Trãi không xa là đôi tàu có tổng công suất 820CV của anh Nguyễn Phu cũng đang trong giai đoạn đóng thân tàu. Hiện anh Phu đã có hai chiếc tàu 330 và 350 mã lực. Song xét thấy anh em bạn đi biển ai cũng sắm sửa tàu to, nên anh đã làm hồ sơ vay vốn tại ngân hàng để vay với số tiền 3,5 tỷ đồng đầu tư đóng tàu mới công suất lớn hơn.

Anh Phu, chia sẻ: “Nếu vốn ít mà mua lại mấy chiếc tàu cũ thì không ăn thua. Do đó, thấy các chủ tàu vay vốn của ngân hàng đóng tàu lớn không những làm ăn hiệu quả, trả hết nợ cho ngân hàng, mà còn có tiền để tiếp tục đầu tư, nên mình cũng mạnh dạn làm theo. Tôi tin rằng, có thêm hai chiếc tàu này, công việc đánh bắt sẽ thuận buồm xuôi gió, khai thác được nhiều thủy hải sản”.

“Đòn bẩy” để phát triển kinh tế biển

Trước đây, các ngân hàng không cho vay vốn hoặc cho vay với số tiền chỉ vài trăm triệu đồng, nên bà con ngư dân chỉ có thể sửa chữa, cải hoán và mua sắm ngư lưới cụ. Thế nhưng, những năm gần đây, với sự “phủ sóng” mạnh mẽ về hướng biển của các ngân hàng như Vietcombank Quảng Ngãi, Agribank Quảng Ngãi... đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngư dân trong tỉnh tiếp cận nguồn vốn vay, vươn khơi bám biển làm giàu.

Tuy chỉ là chi nhánh cấp huyện, nhưng thời gian qua, Agribank chi nhánh Tư Nghĩa đã dành ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho vay vào lĩnh vực kinh tế biển. Theo đó, tổng dư nợ cho vay đến nay của chi nhánh đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 83 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 8%. Trong đó, cho vay phát triển nghề biển tính đến ngày 30.4.2017 là 433 tỷ đồng, tăng 32 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 7%.

Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Tư Nghĩa Phạm Ngọc Vinh, cho biết: “Biết rằng đầu tư vốn cho bà con ngư dân đóng tàu đánh bắt hải sản là có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu, ngân hàng cũng đã hiểu rõ được đối tượng nào có kinh nghiệm trong đánh bắt và đánh bắt có hiệu quả, thì ngân hàng sẽ triển khai cho vay. Điều đó được chứng minh qua việc tất cả các khách hàng được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng đều phát huy được hiệu quả, đồng thời thực hiện đúng cam kết trả nợ cho ngân hàng”.

 Bên cạnh các ngân hàng thương mại lớn thì một số ngân hàng TMCP khác như Sacombank, Seabank... cũng đang đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển, tạo điều kiện cho ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và các hoạt động chế biến thủy hải sản. Đây chính là cơ hội để ngư dân trong tỉnh bám biển, bám ngư trường và là “đòn bẩy” để kinh tế biển phát triển.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.