Doanh nghiệp không thu mua, bí đỏ ngoại lai ứ đọng

02:04, 19/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng chục tấn bí đỏ tròn (bí đỏ Nhật Bản) ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) chất đống, không bán được. Bí nằm đầy sân, chất đống ở hai bên đường và vứt la liệt ngoài ruộng. Người trồng bí đắng lòng nhìn công lao khổ nhọc dần bị mất trắng.

TIN LIÊN QUAN


Những ngày qua, hàng chục hộ dân ở xã Bình Mỹ đứng ngồi không yên vì giống bí đỏ Nhật Bản đã thu hoạch hơn 10 ngày, nhưng vẫn chưa thấy Công ty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Việt Nam đến thu mua theo cam kết. Ông Nguyễn Duy Đây, thôn An Phong, xã Bình Mỹ bức xúc: “Rõ ràng là họ đã ký cam kết với mình sẽ thu mua bí khi đến ngày thu hoạch. Vậy mà, nay bí đã hái được 10 ngày, chẳng thấy công ty tới cân”.

 Người dân đã thu hoạch bí đỏ chất đống hơn 10 ngày, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đến thu mua.
Người dân đã thu hoạch bí đỏ chất đống hơn 10 ngày, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đến thu mua.


Là một trong những hộ tham gia trồng bí đỏ Nhật Bản với diện tích lớn nhất nhì xã Bình Mỹ, ông Chung Quang Hải giờ đây chỉ biết ngậm ngùi chua chát. “Nghe họ nói giống bí này mới, dễ trồng, lại được công ty thu mua với giá 4.000 đồng/kg, nên mình hăng hái tham gia. Nào ngờ, bỏ công, bỏ của ra làm gần 3 tháng trời, giờ đành để thối”, ông Hải bộc bạch.

Không riêng gì ông Đây, ông Hải mà trong vụ đầu tiên này, xã Bình Mỹ có 26 hộ tham gia trồng bí đỏ Nhật Bản với khoảng 3ha, trong đó có 21 hộ có ký cam kết với công ty. Theo tính toán, với diện tích này bí sẽ cho sản lượng trên 70 tấn. Tuy nhiên đến thời điểm này, số bí của dân đã thối gần hết, chỉ còn lại chưa được 20 tấn. “Đợi 2-3 ngày nữa mà họ không thu mua thì có nước chở đi đổ. Thiệt hại mỗi sào gần 2 triệu đồng là cái chắc", một hộ dân trồng bí cho biết.

Trong quá trình tham quan, học hỏi, thấy giống bí đỏ Nhật Bản đem lại hiệu quả kinh tế cao so với một số giống cây trồng mà lâu nay địa phương trồng, nên HTX Nông nghiệp Bình Mỹ đã đưa về cho người dân địa phương trồng thử. Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Mỹ Nguyễn Hồng Liễn cho biết: “Thật ra mô hình này đã được một số địa phương của huyện Sơn Tịnh làm thành công trong thời gian dài và doanh nghiệp thu mua theo đúng cam kết, nên HTX mới vận động người dân trong xã làm thử. Ai ngờ, bây giờ bí chất đống để thối mà vẫn không thấy người của công ty đến thu mua. Tôi gọi điện giục thì họ cứ hứa hẹn mãi”.

Theo quy trình sản xuất giống bí đỏ Nhật Bản, từ khi trồng đến lúc thu hoạch có thời gian khoảng 90 ngày. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày qua đã làm cho phần lớn bí bị nứt và thối, nhất là những trái có trọng lượng lớn. Không thể để ngoài ruộng, người dân đã hái chở về nhà chất đống.

Song do đây là giống bí ngoại, có vỏ mỏng, ruột lại mọng nước chứ không như giống bí đỏ trong nước, vì thế dễ nứt và thối chẳng khác gì dưa hấu. Nhìn bí thối dần nhưng người dân cũng không thể đem đi bán ở chợ, vì là bí ngoại để xuất khẩu, nên mùi vị cũng không phù hợp với người dân. Hơn nữa đây là bí, chứ không phải là dưa nên cũng không thể cho bò ăn. Vì vậy, khi bí nứt, người dân cũng đành để ngoài ruộng.

Việc liên kết với các doanh nghiệp được xem là giải pháp giúp đầu ra cho sản phẩm ổn định. Thế nhưng, giờ đây, mặc dù đã cầm giấy cam kết trong tay, nhưng người trồng bí đỏ Nhật Bản ở Bình Mỹ chẳng biết kêu ai, trong khi bí đang thối dần.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.