Dệt mùa vàng từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

08:04, 16/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Uốn lượn theo con đường bê tông dẫn vào thôn Thọ An, xã miền núi Bình An (Bình Sơn) là những căn nhà xây kiên cố. Xa xa, những thửa ruộng bậc thang nối tiếp đồi núi chập chùng. Để có những ruộng lúa nước là những tháng ngày không thể nào quên của cán bộ xã, huyện và đồng bào người Cor nơi đây.

Câu chuyện của mười mấy năm trước khi người Cor Thọ An biết ủ giống, bón phân đối với họ như chỉ mới hôm qua. Bởi từ sự thay đổi nếp nghĩ và cách làm đã giúp họ dệt mùa vàng, đời sống phát triển.

Lúa nước “giữ” lại rừng xanh

Người Cor ở Thọ An từng có khoảng thời gian du canh, du cư. Họ trồng trọt trên những mảnh đất khai hoang từ rừng. Mỗi mùa gieo hạt lúa rẫy là mỗi lần bấp bênh, đánh cược với trời. Già Hồ Văn Mười, năm nay đã 73 tuổi, kể lại, năm nào trời mưa thì thu hoạch lúa, nắng thì không có ăn. Già có 7 người con, hồi ấy thiếu ăn, thiếu mặc. Sau mùa thu hoạch, lại gồng gánh chuyển sang cánh rừng xa hơn để chặt cây, đốt rẫy trồng lúa, bắp.

Từ sự thay đổi cách nghĩ, cách làm, đời sống của người dân Thọ An ngày càng phát triển.
Từ sự thay đổi cách nghĩ, cách làm, đời sống của người dân Thọ An ngày càng phát triển.


Còn ông Trụ Văn Hải - Trưởng thôn Thọ An cho hay, trước năm 2000, chỉ có vài người biết làm lúa nước, nên còn manh mún, chưa có kinh nghiệm, năng suất không đạt. Kỹ thuật trồng lúa nước chỉ thật sự thay đổi khi UBND huyện Bình Sơn cử cán bộ khuyến nông về bám sát, cùng ăn, cùng ở với đồng bào để hướng dẫn canh tác lúa nước.

“Cán bộ về hướng dẫn phải xử lý đất trước khi trồng lúa. Nhổ cỏ, cuốc đất, rồi dùng vôi khử đất để chục ngày sau mới trồng. Cán bộ nói không mang lúa cũ ra gieo, phải dùng lúa giống do huyện cấp mang đi ủ rồi gánh ra ruộng để sạ. Mình làm trưởng thôn nên tiên phong, gương mẫu để người dân nghe theo”, ông Hải nói. Và ông cũng còn nhớ như in những ngày đầu tiên biết đến kỹ thuật trồng lúa nước: “Mình trồng lúa rẫy, để nó tự mọc lên.
 

Đa dạng vùng miền

Có lẽ không nơi nào ở vùng cao mà cư dân lại đa dạng về vùng miền như Thọ An. Người ta gọi Thọ An là “xóm góp” cũng không có gì lạ. Đó là những người Cor từ Trà Giang (Trà Bồng) chuyển xuống, người Cor từ Bắc Trà My (Quảng Nam) vào... Ngoài mang đậm những giá trị văn hóa của đồng bào miền núi, ở Thọ An còn có sự hòa quyện trong đời sống của cư dân miền... biển. Ngày 2.10.1978, hơn 200 hộ dân Lý Sơn đã từ hải đảo vào vùng đồi núi khô cằn này để lập nghiệp cho đến nay.

Còn trồng lúa nước, 15 ngày sau khi sạ, lúa mọc 2, 3 lá, cán bộ dẫn ra ruộng chỉ cho người dân phân trắng như đường (phân urê) bón phân cho lúa đợt 1. Đến đợt 2, cán bộ nói nay lúa được 45 ngày rồi, mình đi rải phân muối ớt cho lúa (phân kali). Đợi năm ngày sau, lại bón phân thêm một đợt nữa cho lúa. Mình không biết bón phân, cán bộ đi trước, mình bắt chước làm theo sau. Vụ đầu tiên làm lúa nước chở về nhà được 10 bao lúa, nhiều hơn lúa rẫy, mình mừng cái bụng lắm!”.

Cắm bản cùng đồng bào

Chúng tôi đến Thọ An, nghe người dân nhắc về “giống lúa anh Trung” vừa ngạc nhiên xen lẫn tò mò. Người dân kể, lúc ấy không nhớ nổi tên giống lúa cán bộ mang lên là gì. Biết tên cán bộ là Trung nên mình đặt là “giống lúa anh Trung” cho dễ nhớ.

Anh Trung, người cán bộ khuyến nông 17 năm về trước, về “ba cùng” với đồng bào Cor để hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, nay là Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cười vui khi chúng tôi nhắc lại câu chuyện này. “Giống lúa anh Trung” mà đồng bào Cor gọi là giống ĐV108 do huyện Bình Sơn cấp để hướng dẫn người dân trồng lúa nước.

“Lúc đó, tôi là cán bộ trẻ, mới ra trường nên hăng hái đảm nhận nhiệm vụ. Để giúp người dân, việc đầu tiên là phải cắm bản, sống với đồng bào chân tình và thật lòng. Về lý thuyết thì đơn giản, nhất là nhiều người chưa biết chữ, nên khi bắt tay vào làm phải cụ thể hóa từng bước thì đồng bào mới hiểu và nhớ được", anh Trung cho hay.

“Bây giờ, đời sống của đồng bào Cor ở Thọ An đã đủ đầy hơn. Nhà nào khó khăn lắm cũng phải cho con học hết lớp 9. Trong thôn có nhiều em tốt nghiệp THPT, có em học đại học”, Chủ tịch UBND xã Bình An Võ Hồng Thắng vui mừng cho hay. Có thể nói, từ sự ba cùng của cán bộ và đồng lòng của người dân nơi đây đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực.


Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


.