Xây dựng vùng chuyên canh, phát triển thương hiệu

09:03, 14/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn; triển khai nhiều mô hình sản xuất mới tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế hộ gia đình; xây dựng thương hiệu nông sản... đó là những phương án huyện Bình Sơn thực hiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất nuôi trồng.

TIN LIÊN QUAN

Triển vọng nuôi hươu sao

Sau 4 tháng nuôi, gia đình ông Trương Đình Tuấn ở thôn An Khương, xã Bình An (Bình Sơn) vui mừng khi đàn hươu sao phát triển tốt. Ông Tuấn cho hay, trong số 6 con hươu sao thì 3 con do huyện cấp, còn 3 con gia đình mua từ Nghệ An với giá 15 triệu đồng/cặp. Thức ăn cho hươu sao là những nguyên liệu dồi dào ở địa phương như cỏ, lá cây, bắp...

Người nuôi hươu sao mong muốn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi để liên kết học hỏi kỹ thuật nuôi và hỗ trợ đầu ra.
Người nuôi hươu sao mong muốn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi để liên kết học hỏi kỹ thuật nuôi và hỗ trợ đầu ra.


Còn ông Nguyễn Thế Bình ở thôn Tây Phước 2, xã Bình An từng có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi cho biết, so với nuôi dê thì chăm sóc hươu sao đơn giản hơn. Sau một thời gian nuôi, ông Bình nhận thấy hươu sao phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương. Hươu sao nuôi nhốt trong chuồng, cách chữa bệnh cũng dễ dàng.

Với mục tiêu bổ sung một số vật nuôi mới ở địa phương, UBND huyện Bình Sơn đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng hỗ trợ 60 con hươu sao cho người dân các xã như Bình An, Bình Minh, Bình Khương, Bình Hiệp, Bình Phước... Ngoài hỗ trợ giống, người dân tham gia dự án còn được tham quan thực tế tại Nghệ An, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ cách chăm sóc hươu sao.

Nuôi hươu sao là một trong nhiều mô hình mới của huyện Bình Sơn triển khai trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết, bên cạnh phát triển vật nuôi truyền thống như bò lai, heo, gà... huyện triển khai đưa vật nuôi mới để tìm thêm hướng đi cho người dân.

Định hướng phát triển thương hiệu

Để chuyển đổi cây trồng trên vùng đất cát, thay thế cho các loại hoa màu hiệu quả kinh tế thấp ở khu đông Bình Sơn, theo kế hoạch, huyện triển khai thực hiện gần 5ha tỏi và 100ha hành. Trong đó, huyện Bình Sơn đầu tư làm điểm 2,7ha trồng tỏi ở Bình Châu và Bình Thạnh, 10ha trồng hành ở Bình Hải. Ngoài ra, vùng chuyên canh cây hồ tiêu được triển khai 10ha ở các xã khu đông và khu tây.

“Nhằm nâng cao năng suất các loại cây trồng, huyện không trồng theo kiểu riêng lẻ như trước nữa mà tập trung lại, canh tác trên diện tích lớn. Để làm được điều này, chúng tôi đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tăng diện tích trồng trọt, đưa máy móc vào sản xuất. Để gia tăng giá trị của cây tỏi trên địa bàn huyện, chúng tôi liên kết với doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh thu hoạch tỏi non bán cho các siêu thị, nhà hàng làm các món ăn đặc sản; chế biến tỏi đen thành phẩm...", Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết thêm.

Bên cạnh xây dựng vùng chuyên canh cây trồng, một định hướng phát triển nông sản trên địa bàn huyện Bình Sơn nữa là xây dựng thương hiệu các loại cây trồng như thương hiệu tỏi Bình Sơn, hành Vạn Tường... Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản có ý nghĩa quan trọng trong việc gia tăng giá trị sản phẩm cho người dân.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.