Lãi suất huy động tiếp tục tăng

04:03, 30/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các ngân hàng đang cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017. Để thu hút khách hàng gửi dài hạn, cân đối lại nguồn vốn, các ngân hàng đang tăng lãi suất huy động.

TIN LIÊN QUAN

Tăng lãi suất huy động

Những tháng đầu năm 2017, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh mức tăng lãi suất huy động, thu hút được sự chú ý của người gửi tiền. Theo đó, lãi suất bình quân ở kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 5,2%/năm, tăng 0,02% so với cuối năm 2016; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 6,29%/năm, tăng 0,1%; kỳ hạn 12 tháng là 7%/năm, tăng 0,05%.

Trong khi đó, ghi nhận thị trường trong thời gian gần đây cho thấy, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài như Eximbank tăng lãi suất kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng lên mức 8%/năm, Tecchombank tăng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 36 tháng lên mức 7,1%/năm. Ở các ngân hàng khác, lãi suất kỳ hạn dài cũng rất cạnh tranh như VietABank áp dụng lãi suất tiết kiệm thông thường ở mức 7,8%/năm...

 Các ngân hàng đang cân đối lại nguồn vốn theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng đang cân đối lại nguồn vốn theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước.


Còn tại HDbank Quảng Ngãi, bên cạnh thu hút lãi suất 7,6%/năm đối với kỳ gửi trung hạn, ngân hàng này còn cộng thêm mức lãi 0,1 - 0,2% ở nhiều kỳ hạn, nhằm hút khách gửi tiền. PVcombank Quảng Ngãi công bố lãi suất từ 13 – 24 tháng ở mức lãi suất 8%/năm và không giới hạn số tiền gửi.

Việc tăng lãi suất các kỳ hạn mỗi lần tùy thuộc vào chiến lược của từng ngân hàng. Một số ngân hàng tranh thủ tăng để huy động thêm nguồn vốn, chứ không hẳn vì thanh khoản. Một số khác thì khẳng định trước đó, ngân hàng mình đẩy mạnh tín dụng vào dịp cuối năm, nên bước sang năm mới cần phải đa dạng hóa các chương trình tiền gửi để thu hút nguồn vốn.

Bên cạnh đó, hiện nay, các ngân hàng đang thiếu vốn dài hạn, nhất là những ngân hàng cổ phần nhỏ, nên đưa ra nhiều hình thức huy động lãi suất cao ở kỳ trung, dài hạn. Tuy nhiên, đa số người gửi tiền muốn kỳ hạn ngắn để có thể linh hoạt hoặc để đầu tư vào lĩnh vực khác khi có thời cơ. Điều này khiến các ngân hàng dễ rơi vào trạng thái mất cân đối về kỳ hạn, khi các khoản huy động vốn ngắn hạn lại phải đem cho vay với kỳ hạn dài.

Tạo sức ép lên nguồn vốn

Bên cạnh huy động tiết kiệm thông thường, các ngân hàng cũng đã áp dụng hình thức chứng chỉ tiền gửi. Theo ông Đoàn On – Giám đốc Ngân hàng Việt Á Quảng Ngãi, chứng chỉ tiền gửi cũng là một loại hình huy động. Tuy nhiên,  các ngân hàng, tổ chức tín dụng muốn phát hành chứng chỉ tiền gửi thì phải xin phép Ngân hàng Nhà nước với một số lượng có hạn, trong một thời gian nhất định. Điểm khác biệt giữa gửi tiết kiệm thông thường và phát hành chứng chỉ tiền gửi là gửi tiết kiệm thì người gửi có quyền rút trước kỳ hạn và được hưởng lãi suất sản phẩm rút trước hạn...

 Theo ông Ngô Anh Chiến- Phó Giám đốc VPcombank Quảng Ngãi, các ngân hàng đang dịch chuyển qua cho vay bán lẻ, nên các khoản trung, dài hạn ổn định hơn và đem lại lợi nhuận bền vững hơn các khoản vay ngắn hạn. Qua thực tế kinh doanh, các khoản vay mua nhà đất, ô tô, xây sửa nhà là những khoản vay an toàn, vì khách hàng có mục đích rõ ràng. Vì vậy, họ sẽ hoạch định tài chính cho một chu kỳ trả nợ ổn định, chứ không như những khoản vay ngắn hạn đôi khi có rủi ro trong quá trình kinh doanh, ngân hàng cũng khó thu. Do đó, Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước sẽ tốt hơn cho các ngân hàng và đúng định hướng tập trung vào bán lẻ nhiều hơn, đem lại sự bền vững.

Việc tăng lãi suất huy động sẽ tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn để những người có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm với lãi suất cao. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc những người vay ở các kỳ trung, dài hạn sẽ phải mang gánh nặng lãi suất vay cao.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện một Ngân hàng TMCP khẳng định: “Đúng là mức lãi suất huy động cao sẽ ảnh hưởng đến những nguồn vay trước đây. Bởi trong năm đầu tiên, ngân hàng thường ưu đãi về lãi suất và hầu như chấp nhận không có lãi trong thời gian đầu. Vì vậy, bắt đầu từ năm thứ hai trở đi, việc điều chỉnh lãi suất thì ngân hàng mới có lãi. Tuy nhiên, ngân hàng cũng sẽ dựa trên mặt bằng chung và không vượt quá 10 – 12% để đảm bảo tổng nguồn tiền khách hàng trả nợ cho ngân hàng sẽ không vượt quá ngưỡng”.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.