Bảo vệ người tiêu dùng: Cần lời cam kết từ nhiều phía

09:03, 26/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 3, cùng với cả nước, tại Quảng Ngãi đã diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Với chủ đề "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng", hoạt động này đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN) đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, thực tế trách nhiệm này không chỉ của riêng DN mà người tiêu dùng cần một lời cam kết từ nhiều phía...

TIN LIÊN QUAN

Gạt bỏ "thực phẩm bẩn"

Tuy là địa bàn không sôi động như những thành phố lớn, nhưng hàng hóa từ nơi khác tràn về Quảng Ngãi ngày càng nhiều và khó kiểm soát. Hằng năm, lực lượng quản lý thị trường kết hợp với cơ quan chức năng đã tổ chức hàng trăm lượt kiểm tra khâu lưu thông, phát hiện, xử phạt, tiêu hủy hàng chục tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, trong đó có cả thực phẩm đã qua chế biến.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.


Điển hình là việc kiểm tra, xử lý, tiêu hủy hàng tấn chà bông không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém tại chợ Quảng Ngãi, giá bán chỉ từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Lực lượng quản lý thị trường đã lấy mẫu gửi cơ quan chức năng kiểm định, kết quả thành phần lipit chỉ đạt 3% (chuẩn là 13%) còn lại là tinh bột, muối, đường.

Hiện tại, theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì chưa có bất kỳ mặt hàng chà bông nào đăng ký công bố chất lượng sản phẩm. Với mặt hàng cà phê, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy thương hiệu cà phê thượng hạng của Buôn Ma Thuột đi kiểm định, nhưng kết quả 0% cafein.

Hiện tại, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tổ chức kiểm tra kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Kết quả bước đầu đã xác định nhiều cơ sở kinh doanh ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bán rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, với giá rất rẻ so với ở đồng bằng.

Tuy nhiên, theo nhiều NTD, việc thanh tra, kiểm tra này chưa đáp ứng yêu cầu và thực tế chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng "thực phẩm bẩn" đang ngày càng gia tăng trên thị trường, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe của NTD. Nhiều loại thực phẩm tươi sống không tuân thủ quy trình kiểm dịch; kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau xanh, hoa quả... bị thả nổi và dường như chỉ dựa vào "lương tâm của người sản xuất".

Cần lời cam kết từ nhiều phía

Năm 2016, các thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh kiểm tra, phát hiện 3.477 vụ vi phạm, xử lý, thu nộp ngân sách hơn 564 tỷ đồng; khởi tố hình sự 1 đối tượng, góp phần bảo vệ quyền lợi NTD và DN làm ăn chân chính. Tuy nhiên, NTD và DN chân chính vẫn cho rằng con số này chỉ là một phần nhỏ trong thực trạng hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại hiện nay trên địa bàn Quảng Ngãi.

Mặt hàng bị làm giả nhiều nhất hiện nay là mỹ phẩm, đường RS, quần áo nhãn hiệu thời trang. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, nhiều mặt hàng còn gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của NTD. Tuy nhiên việc phát hiện, ngăn chặn rất khó, vì thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả ngày càng tinh vi, có quy mô và thường tổ chức thành đường dây khép kín. Hệ lụy của hoạt động kinh doanh này còn gây thất thoát thu ngân sách, gây bất ổn thị trường, phương hại đến sự sống còn của DN...

Vì vậy, kêu gọi "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi hiện tại chính DN cũng là nạn nhân cần được bảo vệ trong sản xuất, tiêu dùng. Bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ là DN thực thi, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Nó còn cần lời cam kết từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, lấy NTD làm thước đo của sự phát triển thị trường.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.