Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới

06:02, 03/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt của chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành trong quá trình phát triển công nghiệp, đô thị và xây dựng nông thôn mới.Những kết quả đạt được là cơ sở để Nghĩa Hành có những bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2017.

TIN LIÊN QUAN


Năm 2016, Cụm công nghiệp làng nghề (CCN) Đồng Dinh là điểm đến của 7 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách huyện hơn 16 tỷ đồng. Những tháng cuối năm 2016, CCN Đồng Dinh đón thêm Công ty Cổ phần Vinatex Đà Nẵng, với quy mô đầu tư 150 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, Công ty Cổ phần Vinatex Đà Nẵng sẽ giải quyết việc làm cho 2.000 lao động địa phương.

Nhà máy gạch tuy nen Phú Điền, xã Hành Minh  (Nghĩa Hành), giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.                                       ảnh:N.H
Nhà máy gạch tuy nen Phú Điền, xã Hành Minh (Nghĩa Hành), giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. ảnh:N.H


Cùng với CCN Đồng Dinh, huyện Nghĩa Hành đang trình UBND tỉnh để cho phép mở thêm CCN Hành Minh và Hành Đức, với quy mô trên 30ha. Tại khu vực này hiện có hai DN sản xuất gạch tuy-nen là Phú Điền và Sao Vàng hoạt động (tổng công suất 35 triệu viên/năm), tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng.

“Với điều kiện thuận lợi về mặt bằng, cơ chế hỗ trợ hạ tầng, thuế, giao thông phục vụ sản xuất thì đây chính là địa điểm phù hợp để các nhà đầu tư đặt nhà máy chế biến gỗ hay các sản phẩm nông sản địa phương”, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình lý giải.
 

Để thực hiện mục tiêu trở thành huyện nông nông mới đầu tiên của tỉnh, Nghĩa Hành tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, thi đua khen thưởng; lồng ghép các chương trình mục tiêu để thực hiện xây dựng NTM ở 2 xã còn lại là Hành Dũng và Hành Tín Tây; đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân...

Tuy “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư, nhưng không vì thế mà huyện Nghĩa Hành vội vàng trong việc cấp phép lĩnh vực đầu tư. Đơn cử như DN sản xuất viên gỗ nén tại CCN Đồng Dinh lẽ ra đã được cấp phép đầu tư trong năm 2016. Song, vì báo cáo đánh giá tác động môi trường của DN chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên UBND huyện Nghĩa Hành không vội cấp phép đầu tư. Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, lập danh sách cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường để có cơ chế hỗ trợ di dời ra khỏi khu dân cư. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và chính DN.  

Trong khi lĩnh vực công nghiệp đã và đang tạo bước đột phá, thì đô thị Nghĩa Hành cũng ngày càng khởi sắc. Nhất là thị trấn Chợ Chùa hiện đã đạt 39/49 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đô thị loại V vào cuối năm 2016.

Theo đánh giá của UBND huyện Nghĩa Hành, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị trên địa bàn, địa phương đã huy động trên 224 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị Chợ Chùa. Sắp tới, hạ tầng đô thị Chợ Chùa cũng sẽ tiếp tục “làm mới” khi chợ Chùa được đầu tư xây mới với kinh phí 20 tỷ đồng.

Nhờ những yếu tố trên, cơ cấu kinh tế đô thị huyện Nghĩa Hành có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng thương mại-dịch vụ (chiếm gần 49%) và công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (34%); giảm tỷ trọng nông nghiệp (còn 17%). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực đô thị gần 17%/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất của địa phương đạt trên 14%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện gần 11%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm còn dưới 6%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong khu vực nội thị chiếm gần 75%... Đời sống nhân dân vì thế cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao; môi trường đô thị ngày càng văn minh, hiện đại...

Năm 2017, huyện Nghĩa Hành tiếp tục đầu tư hoàn thiện 10 tiêu chí còn lại của đô thị loại V. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; thực thi các chính sách thu hút đầu tư; ưu tiên phát triển và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch... huyện Nghĩa Hành tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.

Nỗ lực về đích nông thôn mới

Năm 2011, Nghĩa Hành được tỉnh chọn là huyện điểm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhưng với xuất phát điểm số tiêu chí bình quân chỉ đạt 5/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo 18%, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn... đã đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành.

Mô hình trồng cây ăn quả giúp nông dân ở nhiều địa phương của huyện Nghĩa Hành nâng cao được nguồn thu nhập.  ẢNH: Ngọc Hoa
Mô hình trồng cây ăn quả giúp nông dân ở nhiều địa phương của huyện Nghĩa Hành nâng cao được nguồn thu nhập. ẢNH: Ngọc Hoa


Trước tình hình trên, Huyện ủy Nghĩa Hành đã kịp thời xây dựng và ban hành Nghị quyết số 01 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM; UBND huyện ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện phong trào “Nghĩa Hành chung sức xây dựng nông thôn mới” ở tất cả các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn huyện.

Cùng với đó, Nghĩa Hành đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình NTM trong nhân dân; đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, theo người dân Nghĩa Hành, “mới” của NTM không chỉ là những con đường bê tông sạch đẹp, cơ sở vật chất văn hóa hoàn thiện, trạm y tế khang trang... mà là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.

Xác định thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân là thước đo kết quả NTM. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Nghĩa Hành chỉ đạo các ngành, địa phương gắn xây dựng NTM với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường hỗ trợ người dân ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất... Vì vậy, ngày càng có nhiều “cánh đồng lớn” cho thu nhập từ 100-  300 triệu đồng/ha.

Đến cuối năm 2016, số tiêu chí bình quân của huyện Nghĩa Hành đã đạt 18/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người trên 26,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 5,7% và 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia. Ngoài ra, huyện Nghĩa Hành cũng đã có 9 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã còn lại là Hành Dũng, Hành Tín Tây đã đạt 14 tiêu chí... Huyện Nghĩa Hành phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào cuối năm 2017.

Ngọc Hoa


 


.