Ngày mới ở An toàn khu

10:02, 19/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Chùa, Ba Thành, Ba Động và thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) được công nhận là An toàn khu (ATK), người dân ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này càng thêm tự hào xen lẫn niềm vui. Nơi đây khoác trên mình màu áo mới của sự phát triển, của niềm tin và hy vọng.  

TIN LIÊN QUAN


Vinh dự và tự hào

Trải qua 71 mùa xuân của đời người, thế nhưng với bà Phạm Thị Thiêu, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành thì mùa xuân những năm cuối đời càng vui và tự hào hơn. Bà Thiêu bảo: “Từ làng trên xóm dưới, bà con ai cũng phấn khởi vì làng mình, xã mình được công nhận là ATK. Ai nấy cũng đều hy vọng trên những con đường mòn ngày xưa quân và dân ta tải đạn, vận chuyển lương thực phục vụ cho cách mạng rồi đây sẽ được xây dựng to đẹp hơn...".

Nhờ nguồn vốn ATK đã bê tông các con đường thôn, xóm, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi…
Nhờ nguồn vốn ATK đã bê tông các con đường thôn, xóm, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi…


Chuyện về những năm tháng kháng chiến vẫn mãi là những câu chuyện đẹp, là ký ức và hành trang của bao lớp người. Đưa tay xoa đầu các cháu nhỏ, bà Thiêu kể, ngày đó Ba Tơ là chiếc nôi cách mạng nên bất kỳ làng, xã nào trên địa bàn, địch cũng nghi ngờ, muốn chiếm đóng. Xã Ba Thành cũng không ngoại lệ. Sớm giác ngộ cách mạng, bà Thiêu cùng nhiều người dân ở địa phương quyết giữ đất, giữ làng. Phụ nữ trồng lúa nước cung cấp cho cách mạng; còn đàn ông thì  nằm rừng, đêm xuống lại vào làng theo dõi tin tức để hoạt động. Những chuyến hàng, đạn dược, vũ khí từ miền xuôi ngược dòng sông Liên cập bến Buông được bà con vận chuyển vào làng để cung cấp cho chiến trường... Xã Ba Thành trở thành lối đi, về an toàn cho những chiến sĩ cách mạng. Giặc Mỹ xem Ba Thành là dấu chấm đỏ trên bản đồ, nhưng các cuộc tấn công đều thất bại. Bà Thiêu nói.

Nghe nói chuyện ATK, già Phạm Đức Trinh, ở thôn Lệ Trinh, xã Ba Chùa, khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Già Trinh nói: “Người dân ở xã Ba Chùa đã hy sinh nhiều cho cách mạng. Từ thời kháng chiến chống Pháp, trải qua chống Mỹ, địa bàn xã trở thành bãi tập vũ trang, tập kết lương thực phục vụ cho tiền tuyến. Bà con trong xã luôn một lòng kiên trung với cách mạng. Giờ công nhận xã ATK là phần nào giúp thế hệ mai sau hiểu hơn vùng đất và công lao của người dân trong vùng".

Quê hương ngày một khởi sắc

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết, từ khi 5 xã và thị trấn của huyện được công nhận là ATK, địa phương có thêm điều kiện góp phần làm thay đổi diện mạo. Tại xã Ba Giang, vốn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là về cơ sở hạ tầng, hơn 3 năm qua đã được đầu tư 3,7 tỷ đồng để mở rộng, bê tông tuyến đường từ xóm Ba Nhà đến trung tâm xã, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi hơn.

Từ nguồn vốn của chính sách ATK, trên địa bàn 5 xã ATK và thị trấn Ba Tơ đã được đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường, trụ sở làm việc... góp phần tạo diện mạo mới trên vùng quê cách mạng.  Tuy nhiên, theo kế hoạch đến năm 2020, các xã sẽ được đầu tư từ 75 – 90 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án dân sinh, nhưng thực tế thì mới đầu tư khoảng gần 17 tỷ đồng. “Cuộc sống vùng ATK có thay đổi mạnh mẽ, bứt phá đi lên hay không còn phụ thuộc vào nguồn vốn ATK trong những năm còn lại của nhiệm kỳ 2016 – 2020. Huyện sẽ cố gắng đề xuất với cấp trên quan tâm về chính sách để tiếp tục xây dựng những công trình thiết yếu, dân sinh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển ở địa phương", Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết thêm.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.