Mùa đót kém vui

02:02, 12/02/2017
.

(Baoquangngai.vn)-  Khi những cánh rừng, triền đồi thấp thoáng bông đót cũng là thời điểm người dân các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh rủ nhau vào rừng hoạch đót. Tuy nhiên, so với những năm trước, năm nay, người dân kém vui hơn vì cây đót mất mùa. 

TIN LIÊN QUAN

Vào những ngày này, đi dọc những tuyến đường lên các xã vùng cao, người đi đường sẽ dễ dàng gặp hình ảnh những bông đót nở trắng trên những triền đồi và nhiều người đồng bào vùng cao chọn công việc bứt đót để mưu sinh. Cây đót trổ bông một lần trong năm, thường bắt đầu từ tháng chạp âm lịch. Mùa thu hoạch đót cũng sẽ kéo dài từ lúc cây đót ra bông đến hết tháng hai âm lịch năm sau. 
 
Một ngày mưu sinh của những người bứt đót thường bắt đầu từ tờ mờ sáng, họ lên các sườn núi bứt những bông đót để thành đống rồi mới bóc lấy bông, khi mặt trời đứng bóng thì xuống núi. Nếu đi xa, họ phải mang theo cơm nắm đến chiều mới trở về nhà. 
 
Theo những người bứt đót, năm nay, mùa đót năm nay, niềm vui không bằng các năm trước, vì đót mất mùa, lượng đót thu hoạch giảm rõ rệt. “Năm nay, do thời tiết mưa lạnh kéo dài nên đót không chịu ra bông, vì thế số lượng đót thu hoạch giảm rõ rệt.
 
Những năm trước, bình quân mỗi ngày, người khoẻ và gặp những nơi có đót  nhiều cũng bứt được 40-50kg đót  tươi, nhưng năm nay, người bứt giỏi lắm cũng chỉ có được khoảng hơn 20kg, mang về bán được vài chục nghìn đồng”- anh Hồ Văn Linh ở xã Trà Lãnh (Tây Trà) cho biết. 
 
Hoa đót nở trên các triền đồi
Hoa đót nở trên các triền đồi

 

Không chỉ mất mùa do thời tiết mưa lạnh, mà trong những năm gần đây, nhiều diện tích đót bị người dân phá bỏ để trồng keo, nên diện tích cây đót vì thế ngày càng bị thu hẹp. Việc bứt đót không còn dễ dàng như trước, để thu hoạch được nhiều đót, người dân phải đi vào sâu trong rừng rất vất vả và nguy hiểm. 

“Trước đây, cây đót mọc khắp rừng, việc bứt đót rất dễ dàng, nếu người nào chịu khó, một ngày bứt được vài chục cân bán cho cơ sở thu mua được vài trăm nghìn đồng là chuyện thường. Nhưng bây giờ, công việc bứt đót khó khăn hơn, do nhiều diện tích đót bị phá bỏ, nhường chỗ cho cây keo, muốn được nhiều đót phải vào sâu trong rừng, trèo lên những vách đá cheo leo. Vất vả là vậy, nhưng lượng đót năm nay thu hoạch được không nhiều. Vì thế, thu nhập của người bứt đót cũng chẳng được bao nhiêu”- Chị Hồ Thị Na ở xã Trà Phong (Tây Trà) chia sẻ. 
 
Thành quả sau một ngày vất vả băng rừng, lội suối
Thành quả sau một ngày vất vả băng rừng, lội suối

 

Thương lái đến tận bìa rừng để thu mua đót của người dân
Thương lái đến tận bìa rừng để thu mua đót của người dân
 
Tuy đót là loại cây mọc tự nhiên, nhưng nguồn thu nhập từ cây đót cũng góp phần không nhỏ giúp cho nhiều hộ gia đình ở vùng cao trong tỉnh trang trải cuộc sống. Chính vì vậy, năm nay, dù một ký đót có giá 4 nghìn đồng, bằng với giá năm ngoái, song do đót mất mùa, sản lượng đót thu hoạch giảm, nên đã làm ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của số đông bà con ở đây.
 
“Năm ngoái vào mùa này, hai vợ chồng tôi chặt đót một ngày ít nhất cũng kiếm được gần 200 nghìn đồng, năm nay giỏi lắm mỗi ngày cũng chỉ được 100 nghìn đồng”- anh Hồ Văn Vàng ở xã Trà Lâm (Trà Bồng) cho hay.   
 
Bà Huỳnh Thị Lan- người chuyên thu mua đót ở xã Trà Lâm (Trà Bồng) cho biết: Tính từ đầu mùa đến nay, tôi chỉ mới thu mua được khoảng 1 tấn đót. Trong khi đó, cùng thời gian này năm trước, lượng đót tôi mua được lên đến cả chục tấn. Không riêng gì bà Lan, mà theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số điểm thu mua đót khác ở các huyện miền núi trong tỉnh, số lượng đót thu mua được cũng không được nhiều...
 
Tuy sản lượng đót thu hoạch không nhiều, nhưng hàng ngày rất nhiều người dân vùng cao vẫn phải leo đèo, lội suối hay len lỏi vào rừng sâu để chặt đót. Bởi với họ, nhờ nguồn thu nhập từ cây đót mà họ có tiền mua gạo, trang trải cuộc sống gia đình, góp phần làm vơi bớt cái khó, cái nghèo.
 
Bảo Ngọc

.