Liên kết vùng để phát triển, hội nhập

07:02, 16/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) có 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Những năm qua, vùng kinh tế này có tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt các địa phương đã bước đầu khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và từng bước liên kết vùng để phát triển...

TIN LIÊN QUAN

Thành tựu bước đầu

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch hội đồng Vùng KTTĐMT cho biết, Vùng KTTĐMT có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Toàn vùng có 4 khu kinh tế lớn là Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định); 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng; 24 khu công nghiệp và rất nhiều cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đồng thời có 7 đô thị lớn là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi và Quy Nhơn...

Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 DWT.
Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 DWT.


Những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương của Vùng KTTĐMT đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định và đạt khá. Giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt 9,4%/năm, cao hơn mức tăng của cả nước là 5,9%/năm. Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch theo hướng “dịch vụ - công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp”. GRDP bình quân đầu người gần 50 triệu đồng...

Cần phát triển hệ thống các trung tâm logistics...

Theo T.S Nguyễn Minh Ngọc (Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học kinh tế quốc dân), phát triển hệ thống các trung tâm logistics là yêu cầu cấp thiết trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Vùng KTTĐMT. Với các cảng biển như Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn hiện đang là những trung tâm logistics của vùng. Tuy nhiên, các trung tâm này chưa được kết nối với nhau một cách có hệ thống.

Theo Quyết định 1874 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì giai đoạn 2016 – 2020 vùng này có tốc độ tăng trưởng khoảng 9% hằng năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 20%. Các khu vực Chân Mây – Lăng Cô, Chu Lai- Dung Quất và Nhơn Hội sẽ được phát triển thành các hạt nhân, trung tâm kinh tế lớn của vùng.

Theo một số tính toán được công bố, tùy theo tính hiệu quả trong hoạt động logistics, chi phí logistics chiếm khoảng 10 - 25% GDP, vì vậy để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, hình thành nên các hạt nhân phát triển thì các trung tâm logistics cần được xây dựng, mở rộng và phân bổ tương ứng và đồng bộ. “Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương phải tạo ra được hệ thống trung tâm logistics tối ưu, nhằm đảm bảo tính hiệu quả về mặt vận hành, tiết kiệm chi phí đầu tư, phù hợp với các điều kiện về ngân sách và nhân lực của vùng. Qua đó giúp các doanh nghiệp phân phối hàng hóa và các luồng vận tải hợp lý, tránh hiện tượng dư thừa, chồng chéo cơ sở hạ tầng, tiết kiệm vốn đầu tư. Đồng thời biến Vùng KTTĐMT trở thành cửa ngõ giao thương của cả nước và hành lang kinh tế Đông – Tây”, T.S Nguyễn Minh Ngọc nói.

... và đẩy mạnh liên kết phát triển vùng

Theo kế hoạch liên kết phát triển Vùng KTTĐMT giai đoạn 2016-2020, các địa phương sẽ tập trung khai thác và phát huy có hiệu quả lợi thế của địa phương và vùng để thúc đẩy kinh tế. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó chú trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản), góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống cho nhân dân trong vùng.

Trong 5 năm tới, Vùng KTTĐMT sẽ ưu tiên liên kết nhằm phát triển mạnh lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường ven biển, đường cao tốc nhằm kết nối liên vùng. Xây dựng hạ tầng và sản phẩm du lịch, kinh tế biển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phân công chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư... nhằm tạo không gian kinh tế thống nhất toàn vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.