Dùng nhớt bẫy chuột: Lợi bất cập hại

10:02, 23/02/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Dùng nhớt thải bẫy chuột đang được nhiều nông dân sử dụng khi nhiều diện tích lúa đông xuân bị chuột cắn phá. Biện pháp này mang lại hiệu quả cao, nhưng lợi bất cập hại, gây ô nhiễm môi trường.

TIN LIÊN QUAN

"Bảo bối" diệt chuột
 
"Hết cắm bù nhìn, lá cây, đặt bã sinh học đến bao ni lông vây quanh mà được vài hôm chúng lại quen mặt càng phá dữ hơn, chỉ còn cách đổ nhớt lên bờ, xuống ruộng, cách này nông dân xem là "bảo bối" trị chuột"- bà Phạm Thị Tin, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn) vừa đổ nhớt xuống bờ ruộng, vừa than.
 
Tại các cánh đồng ở xã Tịnh Ấn Đông (TP. Quảng Ngãi), từ sau Tết đến nay, lúa đông xuân cũng bị chuột cắn phá, gây hại nặng. Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp diệt trừ, xua đuổi, nhưng nhiều diện tích lúa đã biến thành rạ do chuột cắn phá quá nặng.
 
 
Để đối phó với nạn chuột, nhiều nông dân sử dụng dầu nhớt đổ xuống ruộng và bờ ruộng.
Để đối phó với nạn chuột, nhiều nông dân sử dụng dầu nhớt đổ xuống ruộng và bờ ruộng.
 
 
Ông Phạm Mân ở thôn Tự Do cũng dùng chổi nhúng vào xô dầu nhớt xả vừa mua ở tiệm sửa xe máy quét dọc bờ của đám ruộng lúa hơn 3 sào của gia đình sau khi đã hết cách tiêu diệt, hòng giúp lúa bình yên trước lũ chuột.
 
Giải thích về biện pháp được xem là “bảo bối” của nông dân khi các cách thủ công “bó tay” với lũ chuột, ông Mân cho biết, biện pháp này hiệu quả nhất, ông đã thử qua nhiều mùa vụ, đổ nhớt xuống ruộng có nước hoặc dùng chổi nhúng vào dung dịch nhớt hay nhớt pha thêm thuốc kẽm, nhớt trộn với thuốc trừ sâu, quét dày lối bờ cỏ quanh ruộng và lối đi của chuột.
 
Chuột là loài gặm nhấm, ngoài thời gian kiếm ăn hay “mài răng”, chúng thường liếm bộ lông cho sạch sẽ, khô ráo sau khi lội qua nước. Ban đêm, chuột đến cắn phá lúa khi đi qua bờ ruộng sẽ bị nhớt bám vào lông, chuột về hang liếm lông sẽ bị ngộ độc chết. Con khác thấy vậy sẽ không dám bén mảng đến cắn phá nữa.
 
Theo nhiều nông dân, chưa có vụ lúa nào chuột lại sinh sôi nảy nở nhiều, họ sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp để xua đuổi, diệt chuột như năm nay. Thậm chí, nhiều nông dân đã làm mồi ngon có mùi thơm như thịt, tôm, cua… trộn với thuốc để thu hút chuột dính bẫy, nhưng chẳng hiểu sao, chuột không bị tiêu diệt mà vẫn cắn phá nhiều hơn.
 
Những bờ ruộng thấm đẫm nhớt
Những bờ ruộng được quét nhớt xả.
 
Lợi bất cập hại
 
Việc diệt chuột bằng phương pháp dùng hóa chất hiện nay khá phổ biến, tuy nhiên lợi bất cập hại, nhược điểm của biện pháp này gây ô nhiễm môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
 
Theo quan sát tại các ruộng lúa sử dụng dung dịch nhớt diệt chuột, mặt nước đều phủ một lớp màu đen. Dầu nhớt là chất thải giao thông, công nghiệp khi không còn tác dụng, cần thay thế là chất thải nguy hại, độc hại cho môi trường và sức khỏe. 
 
Bởi chúng là tạp chất của chì, kẽm và một số hóa chất độc hại khác. Nếu sử dụng với lượng lớn, nguy cơ các loại thủy hải sản khác nhiễm độc chết theo hoặc con người bị nhiễm độc nếu ăn phải thủy, hải sản nhiễm độc là điều khó tránh khỏi.
 
Theo Quyết định 155 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, dầu nhớt khi không còn tác dụng, cần thay thế là chất thải nguy hại, phải được xử lý, tiêu hủy theo một quy trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu gom, xử lý vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều người dân vẫn chưa biết về tác hại nên sử dụng một cách tràn lan.
 
Đào hang bắt chuột cùng với đặt bã sinh học  là biện pháp được khuyến cáo sử dụng.
Đào hang bắt chuột cùng với đặt bã sinh học là biện pháp được khuyến cáo sử dụng.
 
Với những nhược điểm như vậy, việc diệt chuột bằng phương pháp thủ công kết hợp với vi sinh vẫn có lợi hơn nhiều so với biện pháp dùng hoá chất hoặc điện khá phổ biến như hiện nay, vì nó an toàn hơn nhiều cho con người và môi trường.
 
Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 1.200 ha lúa bị chuột cắn phá. Hiện nay, lúa đông xuân đang trong thời kỳ đẻ nhánh đứng cái, làm đòng cộng với điều kiện thời tiết nắng ấm rất thuận lợi cho nạn chuột đồng cắn phá mạnh hơn và nguy cơ phát triển ra diện rộng.
 
Trong thời gian đến, thời tiết nắng ấm như thế này chuột ra cắn phá để lấy nguồn thức ăn vừa cắn để “mài răng” nên mức độ cắn phá rất nặng, để hạn chế đến mức thấp nhất chuột gây hại cho lúa và hoa màu vụ đông xuân, Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo bà con nên chủ động diệt chuột, trong đó chú ý là biện pháp thủ công như đào hang, đặt bẫy và bã sinh học.
 
 
Bài, ảnh: C.PHONG
 
 

.