Tàu cá Lý Sơn vào mùa "làm nước"

01:01, 22/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau một năm đánh bắt, tàu thuyền xuống cấp vì phải chống chịu với sóng to, gió lớn. Vào cuối năm, chủ tàu thuyền ở Lý Sơn lại đưa phương tiện lên bờ tân trang, chuẩn bị cho những vụ mùa mới.

TIN LIÊN QUAN

Nhộn nhịp trên các triền đà

Tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền của ông Lê To, xã An Hải, không khí lao động những ngày cuối năm khá khẩn trương. Từ thợ cho đến các chủ tàu tập trung vào từng công đoạn như  róc vỏ tàu, đóng ca bin, gắn chân vịt đến chỉnh sửa mũi tàu... Riêng những tàu đánh bắt gần bờ, đang nhanh chóng hoàn tất công đoạn sơn mới để hạ thủy, kịp chuyến biển cuối cùng của năm.

Các con tàu đang hoàn tất công đoạn
Các con tàu đang hoàn tất công đoạn "làm nước", chuẩn bị hạ thủy.


Anh Nguyễn Nhân, chủ tàu QNg 96581 TS cho biết: “Tôi đang hoàn tất công đoạn "làm nước" cho tàu để tranh thủ đi đánh bắt rồi về nghỉ Tết. Thường thì tàu tôi hay đánh bắt xa bờ, nhưng do sửa chữa tàu mất gần một tháng, nên chuyến này chỉ đi gần bờ. Ra năm mình sẽ an tâm vươn khơi bám biển dài ngày với chiếc tàu đã được tân trang”.

Sau một năm đối mặt với sóng to gió lớn trên biển, tàu cá chuyên hành nghề lưới vây rút chì của ông Lê Thạnh, xã An Vĩnh bị hư hỏng nhiều, nên ông ông quyết định bỏ ra cả trăm triệu đồng để sửa chữa lại. Ông Thạnh chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm cuối năm, tôi lại đưa tàu lên đà để sơn mới, sửa chữa lại. Bởi tàu thuyền không chỉ là bạn đồng hành mà còn là công cụ kiếm cơm của người đi biển. Do đó, dù có hay không thì mỗi năm phải dành một khoản kinh phí để sửa chữa tàu thuyền”. Cũng theo ông Thạnh, thông thường, mỗi năm các chủ tàu cho tàu lên bờ hai lần để sửa chữa. Tuy nhiên, đợt sửa chữa chính thường tập trung vào cuối năm, vì đây là thời điểm biển thường động, tàu thuyền phải nằm bờ nên không ảnh hưởng đến công việc đánh bắt.

Theo các chủ tàu, trung bình mỗi chiếc tàu một lần tu bổ lại mất từ 40 - 100 triệu đồng. Cá biệt có những tàu “đại tu” thì tốn đến vài trăm triệu đồng. Do đó, để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, các chủ tàu cũng tích cực tham gia vào việc làm nước cho tàu.

Cơ hội để dịch vụ hậu cần phát triển

Trước đây, khi chưa có cơ sở sửa chữa tàu thuyền, ngư dân Lý Sơn thường tranh thủ những ngày biển động để đưa tàu thuyền vào Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) để "làm nước" và cải hoán. Nhưng từ khi Lý Sơn có điện lưới quốc gia, ngư dân Lý Sơn không còn phải vào đất liền để sửa chữa tàu thuyền nữa. Các chủ tàu cũng đỡ tốn khoảng kinh phí ăn ở, đi lại từ 10 - 15 triệu đồng cho mỗi lần làm nước trong đất liền. Dịch vụ hậu cần nghề biển của Lý Sơn cũng đã phát triển thêm một bậc, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.

Ông Lê Khuân – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Vĩnh, cho biết: “Cũng nhờ có điện lưới quốc gia, nghề sửa chữa tàu thuyền ở Lý Sơn ngày một phát triển, giảm chi phí cho các chủ tàu. Hy vọng, khi Lý Sơn quy hoạch, xây dựng xong cảng cá thì hậu cần nghề cá Lý Sơn sẽ có điều kiện phát triển mạnh thêm nữa”.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.