Những điểm nhấn kinh tế 2016

07:12, 31/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi đan xen giữa những thành tựu mới và một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch. Thành công là động lực, thất bại là bài học kinh nghiệm để đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2016 tương đối ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5%, đạt kế hoạch. Phần lớn các sản phẩm công nghiệp đều tăng. Trong đó, sản lượng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt gần 6,8 triệu tấn, vượt công suất. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được chú trọng đầu tư và ngày càng hoàn thiện. Về nông nghiệp, Quảng Ngãi đã từng bước hình thành và phát triển cánh đồng mẫu lớn, năng suất cao; thu hút một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tập trung...

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng kiểm tra tình hình triển khai các dự án ở KKT Dung Quất.                                                                                                          ẢNH: PHạM DANH
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng kiểm tra tình hình triển khai các dự án ở KKT Dung Quất. ẢNH: PHạM DANH


Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, giải quyết việc làm, giảm nghèo... có nhiều chuyển biến tích cực và đạt một số kết quả nhất định. Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước đã góp phần giải quyết công việc nhanh gọn, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Quốc phòng- an ninh trên địa bàn được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức của năm 2016 mới tạo ra những thành quả trên, nên nó rất đáng trân trọng.

Đầu tàu công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 (so sánh 2010) ước đạt 109 nghìn tỷ đồng, vượt gần 2% kế hoạch. Quảng Ngãi đã khởi công xây dựng Khu Đô thị - Công nghiệp Dung Quất, với tổng vốn 2.025 tỷ đồng; đồng thời tập trung giải phóng mặt bằng, bàn giao 93ha/102ha phục vụ nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và thành lập 5 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 73,5ha...

Sản xuất công nghiệp vẫn
Sản xuất công nghiệp vẫn "giữ nhịp" tăng trưởng và đóng góp vào ngân sách. Ảnh: Thanh Long


Trong năm, KKT Dung Quất thu hút thêm 14 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 2.731 tỷ đồng và các KCN thu hút 6 dự án, với tổng vốn đăng ký 141 tỷ đồng. Riêng Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP, đến cuối năm 2016 có 14 dự án được cấp phép, trong đó có 6 dự án đã đi vào hoạt động.

Với kết quả trên, công nghiệp và sản xuất công nghiệp vẫn đang “dẫn nhịp” nền kinh tế, thu ngân sách và giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Tăng cường hạ tầng giao thông, đô thị

Trong năm 2016, UBND tỉnh tiếp tục bố trí vốn đầu tư nhiều dự án lớn như: Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đường bờ nam sông Trà Khúc, đường Nguyễn Công Phương, đường Nguyễn Trãi, khu dân cư trục đường Bàu Giang - cầu Mới. Đồng thời, khởi công Khu tái định cư đê bao xã Tịnh Kỳ, Khu đô thị mới phục vụ tái định cư Khu II Đê bao, cầu Thạch Bích, đường trục chính và trung tâm hành chính huyện Sơn Tịnh, đường trục chính trung tâm huyện Sơn Tây... Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, làm cho một số dự án như khu dân cư Phan Đình Phùng, An Phú Sinh, Ngọc Bảo Viên, Khu Đô thị - Dịch vụ VSIP... phục hồi, khởi sắc.

Một điều đáng ghi nhận là, đến cuối năm 2016 tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 18%. Trong đó, đô thị Đức Phổ đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; đô thị Lý Sơn, các thị trấn Ba Tơ, Trà Xuân đạt tiêu chuẩn đô thị loại V; phấn đấu đến cuối năm nay đưa thị trấn Chợ Chùa đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và thành lập thị xã Đức Phổ trực thuộc tỉnh.

Nét mới nông nghiệp, nông thôn

Trong năm 2016, có 5 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng lên 8 dự án tham gia vào lĩnh vực này, với tổng vốn đăng ký hơn 143 tỷ đồng. Đây là kết quả khả quan sau khi tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

hiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh đã đưa cơ giới vào sản xuất. Ảnh: Từ Kim Dũng
Nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh đã đưa cơ giới vào sản xuất. Ảnh: Từ Kim Dũng


Một điểm nhấn quan trọng khác, đến cuối năm 2016 toàn tỉnh có 66 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 854ha, tăng 37 cánh đồng và gần 460ha so với năm 2015. Ở những cánh đồng lớn, năng suất lúa bình quân cao hơn 1,5 tạ/ha so với đại trà, riêng huyện Đức Phổ tăng đến 4 tạ/ha. Cánh đồng lớn mở ra cơ hội đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.

Năm qua, ngư dân trong tỉnh tiếp tục đối mặt với thiên tai và nhân tai, nhưng khai thác thủy sản vẫn đạt sản lượng khoảng 180 nghìn tấn, tăng gần 8% so với năm 2015. Bên cạnh đó, thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản, UBND tỉnh đã phê duyệt 78 hồ sơ đóng mới và 18 hồ sơ nâng cấp tàu cá. Đến nay, có 28 tàu đã hạ thủy, riêng năm 2016 hạ thủy 12 chiếc, tham gia khai thác hải sản trên biển. Toàn tỉnh hiện có 5.444 tàu đăng ký, với tổng công suất 1,28 triệu CV. Trong số này có 1.049 tàu đủ điều kiện khai thác vùng biển xa. Như vậy, chủ trương hiện đại hóa phương tiện đánh bắt hải sản của Quảng Ngãi đã có thêm những thành quả mới.

Dù khó khăn nhưng trong năm 2016, tranh thủ nhiều nguồn vốn, UBND tỉnh đã bố trí trên 250 tỷ và ứng 30 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng nông thôn mới. Các huyện, xã đã tích cực vận động, tạo sự đồng thuận trong dân cùng góp công sức, tiền của thực hiện chương trình này. Kết quả, cuối năm có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 24 xã, chiếm gần 15% tổng số xã trong tỉnh. Nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới, đời sống mới theo hướng hiện đại, văn minh và no đủ hơn cho nông dân.

“Nốt trầm” thu ngân sách và xuất nhập khẩu

Có thể nói, 2016 là năm Quảng Ngãi thu ngân sách đạt thấp so với nhiều năm gần đây. Tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 17,3 nghìn tỷ đồng, giảm gần 38% so với năm 2015 và đạt 77% dự toán. Nguyên nhân chính là nguồn thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ đạt khoảng 11,6 nghìn tỷ đồng, giảm 50% so với năm 2015 và bằng 66% dự toán. Ở đây có một yếu tố khách quan là giá dầu thô thế giới duy trì ở mức thấp; giá bán dầu thấp nên nguồn thu giảm. Và có những con số không vui là kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu năm 2016 đều chỉ đạt khoảng 81% kế hoạch. Xuất khẩu giảm chủ yếu do giá dầu FO xuất khẩu và sản lượng tinh bột mì xuất khẩu giảm; sản phẩm cơ khí, máy móc thiết bị của Công ty Doosan Vina chủ yếu phục vụ các dự án trong nước...

“Nốt trầm” trong thu ngân sách và xuất nhập khẩu năm qua sẽ là bài học cho tỉnh trong hoạch định, xây dựng và tổ chức thực hiện chỉ tiêu của các lĩnh vực này trong năm 2017.

Hướng đến 2017

Quảng Ngãi xác định, mục tiêu năm 2017 là: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp”. Tại kỳ họp lần thứ 4– HĐND tỉnh khóa XII, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng nêu quyết tâm “quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ và hành động”. Chủ tịch UBND tỉnh cũng cam kết sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời  đẩy mạnh xã hội hóa, khơi thông, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển giáo dục, văn hóa, y tế; đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân...

Làng chài cảng Sa Kỳ hôm nay. ẢNH: Vinh Hiển
Làng chài cảng Sa Kỳ hôm nay. ẢNH: Vinh Hiển


Những cam kết và quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính của tỉnh hướng đến việc huy động cả nguồn lực vật chất và tinh thần nhằm đưa tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 1 - 1,2% so với năm 2016 (nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu tăng  9 - 10%); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.125 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 19%; có thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 28,8% trường mầm non, 67,7 trường tiểu học, 66% trường THCS, 48,7% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; có 84% gia đình, 84% thôn, khối phố và 88% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Lao động được đào tạo nghề so với tổng số lao động chiếm 49%. Toàn tỉnh phấn đấu trong năm 2017 giảm 1,85% hộ nghèo (miền núi giảm 5,5%)...

Để hoàn thành khối lượng công việc của năm 2017, bên cạnh “sự đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành...” của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, cần sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Khối đại đoàn kết luôn là sức mạnh, là nguồn lực tinh thần quý giá giúp Quảng Ngãi vượt qua khó khăn, tạo ra những thành quả mới!
 

Thanh Toàn


 


.