Ham máy rẻ, ngư dân đối mặt với hiểm nguy

08:12, 31/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vì năng lực tài chính hạn hẹp, nhiều tàu đánh cá của ngư dân trong tỉnh vẫn phải sử dụng các loại máy kém chất lượng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tàu bị chết máy, gặp trục trặc khi đánh bắt khơi xa, dẫn đến những sự cố đáng tiếc.

TIN LIÊN QUAN

Đa số là máy ngoại... giá rẻ

HTX đóng tàu Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) là một trong những địa chỉ uy tín đóng tàu gỗ công suất lớn. Tại đây có nhiều tàu cá của ngư dân sắp hạ thủy trước tết Nguyên đán 2017. Xung quanh khu vực đóng tàu có nhiều xưởng cơ khí chuyên tu sửa, cải hoán máy móc tàu cá. Trong đó, đại đa số là các loại máy có xuất xứ từ Trung Quốc.

Đa số tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi sử dụng các loại máy Trung Quốc, máy cải hoán.
Đa số tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi sử dụng các loại máy Trung Quốc, máy cải hoán.


Với ưu thế giá rẻ, nên nhiều năm nay khi lựa chọn máy móc cho tàu ra khơi, ngư dân vẫn chọn máy Trung Quốc. Ngư dân Nguyễn Tấn Đạt, ngụ thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú cho biết: "So với máy có nguồn gốc từ Nhật Bản, Singapore, máy Trung Quốc có giá chỉ hơn phân nửa. Trung bình một tàu cá có công suất khoảng trên 600CV, nếu sử dụng máy Trung Quốc chỉ tiêu tốn khoảng 1,3 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng máy Nhật thì “ngốn” khoảng 2,3 tỷ. Đánh bắt ngoài khơi xa mà phải dùng máy móc rẻ tiền từ Trung Quốc, chất lượng kém ngư dân cũng rất lo lắng, nhưng vì năng lực tài chính có hạn, ngư dân đành chọn loại máy giá rẻ này".

Thời gian gần đây nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân miền Trung nói chung liên tiếp gặp sự cố chết máy khi đang hành nghề, trong đó một phần nguyên nhân là do sử dụng máy móc kém chất lượng. Ông Võ Văn Lựu, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) một trong những chủ tàu có kinh nghiệm đi biển cho biết: "Máy Trung Quốc giá rẻ, nhưng thường xuyên hư vặt. Nhất là khi gặp bão gió, khả năng linh hoạt của tàu cá bị hạn chế rất nhiều vì máy yếu".

Biết chất lượng kém nhưng vẫn sử dụng

Theo đại diện Chi cục Thủy sản, hiện nay có khoảng 99% ngư dân trong tỉnh sử dụng các loại máy thủy của Trung Quốc, hoặc các loại máy được cải hoán, sửa chữa nhiều lần. Việc kiểm định máy móc tàu cá gặp nhiều hạn chế, vì lực lượng kiểm định tương đối mỏng. Nhiều tàu cá khi được kiểm định cho hạ thủy thì chạy rất tốt, nhưng khi ra khơi đánh bắt được vài ngày thì gặp trục trặc.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn cho biết: "Các loại máy móc khi được nhập về từ nước ngoài đều được kiểm định. Tuy nhiên, việc máy móc có hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có việc bảo dưỡng, vận hành của người sử dụng. Hằng năm tại một số xã ven biển, đều có mở các lớp học để nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc cho ngư dân. Dù vậy, chỉ có một số ít tàu cá được đóng mới khi có sự hỗ trợ của Nhà nước mới sử dụng máy tàu chất lượng".

Hiện nay, việc tiếp cận vốn ngân hàng của ngư dân gặp khó và áp lực phải trả nợ gốc, lãi vay... buộc ngư dân phải chấp nhận vươn khơi trên những con tàu có máy móc kém chất lượng. Ông Nguyễn Văn Hùng, ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang đặt đóng tàu cá có công suất 980CV tại HTX đóng tàu Cổ Lũy bộc bạch: "Mong muốn lớn nhất của ngư dân là được sử dụng các loại máy chất lượng sản xuất trong nước. Có như vậy năng lực đánh bắt của ngư dân Việt Nam mới sánh được với một số nước trong khu vực...".

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.