Bàn các giải pháp xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp

03:12, 16/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 15.12, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
 
Năm 2016, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 5,7%/năm, tỷ trọng trồng trọt giảm, tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ tăng lên. 
 
Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực. Giá trị sản phẩm thu được đạt 61 triệu đồng/ha/năm. Bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng dản xuất hàng hóa; thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu như: mì, mía, chăn nuôi trang trại, trồng rừng gỗ lớn, chăn nuôi lợn thịt gắn với thu mua, chế biến. 
 
 
Thời gian qua, huyện Nghĩa Hành đã sản xuất được nông sản sạch.
Thời gian qua, huyện Nghĩa Hành đã sản xuất được nông sản sạch.
 
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế như: cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp vẫn chưa có sự chuyển biến, đột phá rõ rệt và chưa thật sự vững chắc, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu; chưa tạo lập được mối liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng; công tác dự báo thị trường nông sản vẫn chưa được quan tâm,…
 
Tại hội nghị, Giám đốc Sở NN- PTNT Dương Văn Tô đã đề xuất giải pháp để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, trước mắt xác định được các sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế và tiến hành quy hoạch sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất; sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Phan Bình cũng đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm nông sản sạch, nông sản hữu cơ trên địa bàn huyện, trọng tâm là có chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là cung ứng vốn, khoa học công nghệ và tiêu thụ nông sản.
 
Đại diện một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp căn cơ để nông nghiệp Quảng Ngãi phát triển bền vững như: đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa; thực hiện liên kết 4 nhà; tổ chức củng cố và phát triển các tổ hợp tác, HTX; kêu gọi các doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào nông thôn,… 
 
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
 
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhấn mạnh: Thời gian qua, các địa phương rất lúng túng, chưa xác định được hướng đi cụ thể trong thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. 
 
Vấn đề đặt ra là sản xuất sản phẩm gì để phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời phát huy được thế mạnh đặc trưng thổ nhưỡng, vùng miền? Giải pháp nào chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ sang mô hình sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm? Hiện nay, vấn đề thực phẩm bẩn đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và con người. Từ đó, việc sản xuất nông sản sạch, hữu cơ là việc làm cần thiết và cấp bách, cần có chiến lược bền vững. 
 
Từ những vấn đề đặt ra, Bí thư yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, thay đổi phương thức sản xuất từ hộ sang mô hình của Công ty, HTX, tổ hợp tác. Tạo môi trường thuận lợi để HTX phát triển, không được áp đặt. Ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi, người đứng đầu phải thân thiện, cởi mở, trách nhiệm, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp làm ăn an toàn, hiệu quả và thành công.
 
Vấn đề nông sản sạch, hữu cơ cần phải làm và có chiến lược bền vững, phải tuyên truyền cho cả sản xuất và tiêu dùng. Quảng Ngãi cam kết với các doanh nghiệp sẽ tăng cường quảng bá, tuyên truyền cho người dân hiểu, hướng dẫn người dân làm, liên kết với doanh nghiệp.
 
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các ngân hàng nên cởi mở với tín dụng nông nghiệp, nông thôn và huyện Nghĩa Hành kiểm tra quy trình chăn nuôi sạch của HTX Tân Hòa Phú, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) để tiến tới công nhận thương hiệu cho họ, nếu thành công thì nhân ra diện rộng.
 
 
 
Tin, ảnh: Ái Kiều
 
 

.