Tập trung giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp

09:11, 01/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, thời gian gần đây lãnh đạo tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN. Nhờ đó đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

“Tỉnh hỗ trợ kịp thời”

Đó là khẳng định của ông Đoàn On – Giám đốc Ngân hàng Việt Á (VAB), chi nhánh Quảng Ngãi đối với việc lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết kiến nghị của VAB trong xử lý nợ xấu. Năm 2011, VAB cho một DN ở huyện Mộ Đức vay vốn để thi công công trình chợ Đức Minh. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư (UBND xã Đức Minh) vẫn chưa thanh toán dứt điểm cho đơn vị thi công, với số tiền nợ còn lại đến thời điểm này trên 2,5 tỷ đồng (kéo dài từ năm 2013 đến nay), mặc dù chợ Đức Minh đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Thực tế đó đẩy DN thi công vào nguy cơ phá sản và nợ xấu của VAB được xếp vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Lãnh đạo VAB đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo huyện Mộ Đức, xã Đức Minh và DN thi công nhưng chưa được quan tâm, nên cách nay hai tháng đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Nhà máy mì Tịnh Phong chậm được di dời (do nhà đầu tư chưa được huyện Bình Sơn bàn giao mặt bằng sạch), đã ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.
Nhà máy mì Tịnh Phong chậm được di dời (do nhà đầu tư chưa được huyện Bình Sơn bàn giao mặt bằng sạch), đã ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.


Nhận được kiến nghị của VAB chi nhánh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ lập tức có công văn chỉ đạo huyện Mộ Đức và các sở, ngành tập trung giải quyết. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức đã chỉ đạo xã Đức Minh cân đối các nguồn vốn được đầu tư trên địa bàn tập trung bố trí trả nợ dứt điểm công trình chợ Đức Minh.

“Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt ấy, nên mới đây làm việc với chúng tôi (VAB Quảng Ngãi và nhà thầu thi công - PV) UBND xã Đức Minh đã cam kết bố trí vốn trong năm 2016 trả nợ 945 triệu đồng và năm 2017 sẽ bố trí trả nợ 1 tỷ đồng từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”, ông Đoàn On cho biết.

Không chỉ trường hợp kiến nghị của VAB Quảng Ngãi, mà còn nhiều vụ việc khó khăn, vướng mắc khác của DN đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời. Như trường hợp kiến nghị của Công ty CP Nông sản thực phẩm (NSTP) Quảng Ngãi, kiến nghị UBND tỉnh năm 2011 đã thỏa thuận dự án quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho Nhà máy Ethanol Dung Quất - Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung với diện tích 14.193ha, trong đó có trên 2.520ha của vùng quy hoạch cho Nhà máy mì Sơn Hà và khoảng 5.000ha là vùng nguyên liệu của Nhà máy mì Tịnh Phong. Do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu mì bền vững, đầu tư thâm canh, tăng năng suất và nhân rộng các mô hình cơ giới hóa.

Giải quyết kiến nghị này, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý cho Công ty CP NSTP phát triển vùng mì nguyên liệu  trên đất đã quy hoạch phát triển mì nguyên liệu cho Nhà máy Bio-Ethanol trong thời gian nhà máy ngừng hoạt động và hoàn trả lại diện tích đất quy hoạch này lại cho Nhà máy Bio-Ethanol khi hoạt động trở lại.

Còn nhiều vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm

Bên cạnh những kiến nghị của DN được tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm, thì vẫn còn nhiều vụ việc, kiến nghị chưa được giải quyết đến nơi đến chốn, mà trách nhiệm chính từ các sở, ban, ngành và địa phương. Như trường hợp kiến nghị của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn về giải quyết các trường hợp vướng mắc trong công tác bồi thường đối với Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Đến nay, dự án đã triển khai được hơn 16 tháng, nhưng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang bị chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Nguyên do là chính quyền địa phương, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các sở, ngành liên quan chưa quyết liệt xử lý dứt điểm vướng mắc các trường hợp bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hay như kiến nghị của Công ty CP NSTP Quảng Ngãi về việc di dời Nhà máy mì Tịnh Phong. Mặc dù đến nay công ty đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của BQL Cụm Công nghiệp Bình Sơn, nhưng vẫn chưa nhận được mặt bằng sạch tại Cụm Công nghiệp Bình Long để triển khai các bước và di dời nhà máy theo chỉ đạo UBND tỉnh. Liên quan đến vấn đề này, UBND huyện Bình Sơn cho biết đã lập và phê duyệt phương án bồi thường, với tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ trực tiếp trên 8,5 tỷ đồng, với 68 hồ sơ. Tuy nhiên, sau nhiều lần thông báo đến nay chỉ mới có 21/68 hộ dân nhận bồi thường hỗ trợ, với số tiền đã chi trả trên 2 tỷ đồng, diện tích trên 42.160m2.

Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.