Mở rộng Quốc lộ 1 và xây dựng cụm công nghiệp: Ruộng bỏ hoang

02:11, 09/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án mở rộng Quốc lộ 1 (QL 1) và xây dựng Cụm công nghiệp Bình Nguyên hoàn thành mang đến nhiều lợi ích chung. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án cũng khiến nhiều hộ dân ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), xã Bình Trung, Bình Nguyên (Bình Sơn) có ruộng phải bỏ hoang, gây bức xúc trong nhân dân sở tại...

TIN LIÊN QUAN

Ngập úng  và nhiễm mặn

Đã 6 mùa trôi qua, gần 80.000m2 "bờ xôi ruộng mật" của 34 hộ dân ở khu dân cư Đồng Sát thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh không sản xuất được. Nguyên nhân là do nâng cấp, mở rộng QL 1 và làm khu tái định cư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tiêu thoát nước ngọt, gây ngập úng và làm gia tăng nước mặn xâm nhập. Người dân gieo sạ, giống vừa nảy mầm thì chết sạch. Hơn ba năm qua, các hộ dân này đành buông tay với mảnh ruộng của mình, đi làm thuê, mua gạo ăn từng ngày.

 

Không có mương thoát nước, khiến cánh đồng cây Bún xã Bình Trung (Bình Sơn) biến thành biển nước sau trận mưa lớn.
Không có mương thoát nước, khiến cánh đồng cây Bún xã Bình Trung (Bình Sơn) biến thành biển nước sau trận mưa lớn.


Ông Nguyễn Thành Văn, khu dân cư Đồng Sát có hơn 2.400m2 ruộng, cho biết: "Cuộc sống gia đình đều bám vào chỗ ruộng ấy, từ gạo ăn, đến chi phí hằng ngày. Từ khi ruộng không gieo sạ được, thì gạo phải đi mua, chi phí khác cạn nguồn...".

Còn ông Đinh Ngộ, dù chỉ có 540m2 ruộng, nhưng đó là nguồn lương thực cho 7 miệng ăn trong gia đình. Từ ngày "ruộng biến thành ao", các con ông phải đi làm mướn, góp tiền mua gạo. "Chính quyền và chủ đầu tư làm sao giúp cho dân sớm thoát khỏi tình cảnh này. Ruộng còn đó mà không sản xuất được, phải chạy gạo ăn từng bữa thì xót xa quá!",  ông Đinh Ngộ phân trần.

Chỉ tay ra cánh đồng cây Bún, ông Bùi Long, xã Bình Trung bức xúc nói: “Mới mưa có một trận mà nước đã mênh mông thế này rồi. Trước đây, khi chưa có CCN Bình Nguyên thì làm gì có tình trạng này, còn bây giờ cứ mưa to là ngập. Không chỉ ngập ruộng mà nước mấp mé vô hiên nhà”.
 

"Thẩm quyền quyết định việc hỗ trợ cho các hộ dân Đồng Sát là của UBND tỉnh. Khi thống nhất được các phương án, huyện sẽ trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Huyện sẽ quyết tâm hoàn tất thủ tục sớm, để có thể hỗ trợ cho dân trước Tết, tạo điều kiện để người dân sớm tái sản xuất, ổn định cuộc sống" .
Ông LÊ THANH TÂN - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ.

Theo người dân địa phương thì mọi năm, thời điểm này, người dân đã lên hàng ớt, chuẩn bị xuống giống ớt. “Với lượng nước lội tới bắp đùi thế này, nếu trời nắng gắt thì hơn một tháng nữa mới có thể xuống giống vụ ớt được. Thế nhưng, đây đang là mùa mưa nên xem ra vụ này khó ăn rồi”, ông  Long ngán ngẩm.

Thường xuyên xem dự báo thời tiết, thấy báo có mưa to ở Quảng Ngãi là bà Huỳnh Thị Xuân, xóm Chí Nguyện, thôn Phú Lễ I, xã Bình Trung lại đứng ngồi không yên. Bởi chỉ cần mưa lớn chừng một ngày là nước đã tràn vào vườn, mấp mé ở cửa bếp. Bà Xuân chia sẻ: “Sợ lắm, nước ở đây mà tràn vô nhà là không biết bao giờ mới rút, vì không có lối thoát. Không sản xuất được đã đành, ngay cả tài sản trong nhà cũng khó đảm bảo được. Đúng là khổ hết chỗ nói!”.

 Ông Hồ Văn Nhì – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết, sau khi nhận được đơn phản ánh của bà con, xã đã tiến hành xuống kiểm tra, tổng hợp và có báo cáo gửi huyện. Hiện Bình Trung có 3 ha, với khoảng 80 hộ dân có đất sản xuất bị ảnh hưởng do không có mương thoát nước. “Lúc trước, họ bảo quy hoạch ngược lên phía trên  quốc lộ, nhưng xã không đồng ý vì quy trình ngược; đồng thời đã có văn bản gửi lên Ban Quản lý CCN. "Từ đó đến nay, địa phương vẫn chưa nghe nói gì đến chuyện sẽ đào mương và đào như thế nào, mương đi qua đâu và trúng đất hộ nào...”, ông Nhì cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Hà Yên – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Huyện đã chỉ đạo và cấp 200 triệu đồng cho Ban Quản lý CCN Bình Nguyên để đào mương thoát nước cho dân. Hiện Ban Quản lý CCN đang triển khai, tuy nhiên đang vướng công tác đền bù. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã giao cho xã vận động người dân, đảm bảo sự hài hòa giữa người dân và Nhà nước, nhưng giờ dân chưa chịu nên cũng khó”.

Sự vào cuộc nửa vời

Ngay khi Dự án QL1 hoàn thành, gây ra tình trạng ruộng ngập úng, nhiễm mặn ở cánh đồng Đồng Sát, người dân đã kiến nghị lên UBND xã Phổ Thạnh và huyện Đức Phổ. Huyện và xã tổ chức xác minh, làm việc với các hộ dân và báo cáo về tỉnh xin chủ trương hỗ trợ. UBND huyện Đức Phổ chỉ đạo xã Phổ Thạnh lập danh sách chi tiết diện tích bị thiệt hại, niêm yết công khai, làm cơ sở hỗ trợ, tránh tình trạng khiếu kiện, với quyết tâm cuối năm 2015, sẽ chính thức hỗ trợ cho 34 hộ dân ở Đồng Sát.

Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh về vấn đề này, tỉnh yêu cầu phải cụ thể hóa bằng số tiền bị thiệt hại, phân loại mức độ thiệt hại của từng hộ thì mới có cơ sở để hỗ trợ. Một lần nữa, toàn bộ hồ sơ lại chuyển trả về cho UBND huyện để làm lại từ đầu. Sau khi nhận được yêu cầu của tỉnh, UBND huyện Đức Phổ lại trả về cho xã. Ngay sau đó, UBND xã Phổ Thạnh lại có công văn gửi huyện cho rằng việc này không thuộc thẩm quyền của xã. Và đến cuối năm 2016, thủ tục hỗ trợ cho 34 hộ dân này vẫn chưa hoàn thành.

 Ngày 14.10 vừa qua, UBND huyện Đức Phổ đã có công văn giao cho xã Phổ Thạnh áp giá hỗ trợ các vụ lúa cho hộ gia đình bị ảnh hưởng, với tổng diện tích được xác định gần 80.000m2. Ngoài ra, để đảm bảo diện tích ruộng này canh tác lâu dài, huyện chỉ đạo xã Phổ Thạnh thuê tư vấn dự toán hạng mục nạo vét kênh mương thủy lợi đảm bảo tiêu thoát úng, ngăn mặn, giữ ngọt; thi công hệ thống điện kéo ra đồng để dân đóng giếng bơm, đáp ứng nguyện vọng "giữ ruộng cho dân"...

 

Cống thoát nước khu dân cư Đồng Sát cần phải cải tạo để góp phần ngăn mặn, giữ ngọt cho đồng ruộng của 34 hộ dân.
Cống thoát nước khu dân cư Đồng Sát cần phải cải tạo để góp phần ngăn mặn, giữ ngọt cho đồng ruộng của 34 hộ dân.


Theo chính quyền nơi đây, việc hỗ trợ người dân Đồng Sát kéo dài một phần là do người dân có một số thay đổi trong nguyện vọng. Ban đầu họ đề nghị thu hồi hết phần diện tích không nằm trong dự án nhưng bị ảnh hưởng, sau đó lại yêu cầu hỗ trợ mất mùa, đồng thời cải tạo hệ thống thủy lợi để sản xuất bền vững. Việc chậm trễ một phần là do lấy ý kiến nhiều lần từ người dân.

Còn theo người dân Bình Trung và Bình Nguyên (Bình Sơn), trước đây cũng đã thấy đào mương thoát nước. Tuy nhiên, mương thoát nước này lại cao hơn mặt ruộng nên không phát huy hiệu quả. Sau đó, do xe của các công ty chở vật liệu, hàng hóa đi lại đã làm sập. “Từ ngày có CCN đến giờ, người dân ở xứ đồng này trở nên khổ sở hơn. Mùa nắng thì khô hạn, còn mùa mưa thì ngập úng. Nhường đất cho dự án, mỗi người nông dân còn ít ruộng để sống. Vậy mà bây giờ không sản xuất được, biết lấy gì mà ăn”, bà Huỳnh Thị Trại, xã Bình Trung cho biết.

Bà Huỳnh Thị Yến, thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên chia sẻ: “Ở đây, người dân chủ yếu chỉ biết dựa vào cây ớt mà sống. Cũng nhờ mỗi năm có một vụ ớt này mà cuộc sống người dân đã đỡ khốn khó hơn. Thế nhưng, ớt đã ươm giống được 25 ngày rồi mà không biết làm sao trồng. Vụ mùa năm nay chắc chẳng có gì mà thu”. Không chỉ gây khó khăn cho sản xuất, mà công tác môi trường vào mùa mưa cũng gặp trở ngại. Ông Vũ Đình Phương, thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên cho biết: Lẽ ra, nếu không bị ngập úng do cơn mưa đầu mùa thì tôi và nhiều hộ khác đã thu được vụ bắp...

Bài, ảnh: T.NHỊ- H.HOA


 


.