Lợi "kép" từ vụ nấm cuối năm

09:11, 15/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhu cầu sử dụng nấm tăng cao vào dịp cuối năm. Vì vậy, hiện nay các hộ trồng nấm đang hối hả chăm sóc vụ nấm đông và chuẩn bị cho vụ Tết. Đây là vụ nấm trái mùa, nên nấm thường có giá cao...

TIN LIÊN QUAN

Giá cao bù sản lượng

Những năm gần đây, nhiều người chuộng sử dụng nấm rơm. Một số hộ dân nắm bắt nhu cầu này, đầu tư học hỏi kỹ thuật để trồng nấm. Bên cạnh mô hình trồng nấm trong nhà, nhiều người lựa chọn trồng nấm rơm ngoài trời.

 

Trồng nấm rơm vụ đông ngoài trời cần làm luống chiếc, giồng cao để dễ thoát nước...
Trồng nấm rơm vụ đông ngoài trời cần làm luống chiếc, giồng cao để dễ thoát nước...


Ưu điểm của trồng nấm ngoài trời là không tốn chi phí đầu tư nhà trại. Một cái lợi nữa là tận dụng diện tích đất “nghỉ” giữa vụ và nguồn rơm rạ sau mùa gặt để trồng nấm.

“Nhiều người ở đây rất thích cho “mượn đất” trồng nấm rơm. Vì sau khi thu hoạch, phế phẩm rơm rạ từ luống trồng nấm giúp tăng chất dinh dưỡng cho đất. Từ đó, cây trồng của vụ mùa tiếp theo sinh trưởng, phát triển tốt”, chị Nguyễn Thị Hảo, một hộ trồng nấm ở xã Đức Phong (Mộ Đức) cho hay. Để cung ứng nấm cho thị trường những tháng cuối năm, vừa qua chị Hảo đã trồng 5 sào nấm rơm ngoài trời với chi phí đầu tư khoảng 35 triệu đồng/sào.

Nấm rơm vụ đông là vụ nấm trái vụ trong năm. So với chính vụ, từ khi xuống giống đến thu hoạch kéo dài một tháng. Nấm trái vụ thời gian thu hoạch chỉ khoảng 15 ngày, nhưng bù lại dịp cuối năm nấm thường được giá (khoảng 80 - 90 nghìn đồng/kg) nên thu nhập không giảm so với chính vụ.

Để năng suất nấm trái vụ trồng ngoài trời đạt hiệu quả cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chị Hảo cho biết, thay vì làm luống đôi như chính vụ, trồng nấm mùa đông phải làm luống chiếc, giồng cao để dễ thoát nước. Lượng rơm rạ phủ dày hơn, sử dụng bạt và bao bố để che chắn phía trên, tránh mưa lớn làm hư hỏng nấm.

Nhu cầu tăng

Thị trường nấm cuối năm rất sôi động. Đó là nhận định của ông Lê Giang Phong - Giám đốc Hợp tác xã Nấm Đức Nhuận (Mộ Đức). Vì vậy, nấm thường trồng gối đầu để liên tục có nấm thương phẩm. Riêng dịp cuối năm, người trồng thường tăng số lượng bịch nấm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng. Mới đây, ông Phong đã trồng 50.000 bịch nấm bào ngư và nấm linh chi. Hai loại nấm này trồng trong nhà trại kiên cố, che chắn bốn phía nên phù hợp với thời tiết cuối năm có nhiều mưa, độ ẩm lớn, thuận lợi cho nấm phát triển.

Ông Phong cho biết, trung bình ngày thường ông bán khoảng 150 - 200kg nấm bào ngư. Dịp cuối năm, số lượng nấm bào ngư mỗi ngày bán ra tăng lên gấp đôi, gấp ba. Còn đối với nấm linh chi, đây là mặt hàng tiêu thụ chủ yếu dịp trước Tết Nguyên đán. Dự kiến, năm 2016, hộ ông Phong bán ra khoảng 3 tấn nấm linh chi. Từ nay đến cuối năm, ông Phong nhập về 100 tấn nguyên liệu mùn cưa để vô túi trồng nấm.

Nhu cầu sử dụng nấm tăng, từ đó tạo điều kiện việc làm cho các hộ trồng nấm, nhất là các lao động ở nông thôn. Hiện nay, Hợp tác xã Nấm Đức Nhuận có 23 hộ tham gia. Chỉ tính riêng tại hộ ông Phong đã góp phần tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương, với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng nấm rơm của chị Nguyễn Thị Hảo trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 10 lao động vô meo, chăm sóc và thu hoạch nấm, với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.