Cửa biển bị bồi lấp: Đâu chỉ có ngư dân mới chịu thiệt

02:11, 01/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi cửa biển bị bồi lấp, không những ngư dân chịu nhiều thiệt thòi, mà hàng loạt các ngành nghề hậu cần trên bờ như buôn bán đá cây, thực phẩm, xăng dầu... cũng bị ảnh hưởng theo.

TIN LIÊN QUAN

Ngư dân khốn khổ

Hằng năm đánh bắt khoảng 127 nghìn tấn hải sản các loại là lợi thế bảo đảm cho hàng chục nghìn ngư dân Quảng Ngãi làm ăn phát đạt và có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, gần đây, nhiều cửa biển trong tỉnh bị bồi lấp nặng, tàu thuyền ra vào khó khăn, khiến ngư dân khốn đốn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản xa khơi mà cả hậu cần nghề cá cũng gặp khó khăn, dẫn đến thất thu thuế.

Dù đã hạ thủy nhưng do cửa biển bị bồi lấp nên nhiều tàu vẫn chưa thể ra khơi được.
Dù đã hạ thủy nhưng do cửa biển bị bồi lấp nên nhiều tàu vẫn chưa thể ra khơi được.


Khi cửa biển bị bồi lấp, hằng ngày ngư dân phải canh con nước thủy triều và tính toán, để cho tàu thuyền ra khơi. Thế nhưng, nhiều tàu vẫn phải nằm chờ vì cửa biển bị bồi lấp nặng, bãi cát lại thường xuyên di chuyển nên khó xác định. Ngư dân Trần Quang Minh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) chia sẻ: “Cửa lạch bây giờ ra vào khó khăn quá! Thường thì đầu tháng hoặc giữa tháng mới có con nước. Nhưng lỡ trễ một hai hôm là mình phải nằm chờ chuyến biển tiếp theo”.

Không thể về được cảng, tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi đành neo trú ở các cảng biển ngoài tỉnh, vừa mất thời gian, vừa gia tăng chi phí cho việc đi lại, neo đậu, bảo quản, khiến ngư dân càng thêm khó. Ngư dân Trần Thanh Huy, xã Phổ Thạnh cho biết: “Do điều kiện cửa biển không đảm bảo, nên mình phải neo đậu nhờ ở cửa biển tỉnh khác. Nếu ở gần nhà thì việc quản lý tàu, đi lại, lấy tổn cũng thuận lợi và đầy đủ hơn”.

Đối với những người đi biển, nỗi lo sợ không phải là những khó khăn ngoài khơi xa mà chính là nỗi lo tàu mắc cạn mỗi khi ra vào cửa biển. “Tôi vừa mới đưa được đôi tàu ra khỏi cửa biển an toàn. Giờ tiếp tục đưa tiếp một đôi tàu nữa, nhưng phải đợi đến đêm, khi con nước thủy triều lên và nhờ một chiếc tàu nhỏ dẫn đường thì mới dám ra”, một chủ tàu ở xã Nghĩa Phú cho biết.

Thất thu nhiều khoản

Không còn cảnh tấp nập, trên bến dưới thuyền do cửa biển bồi lấp. Các cảng cá và những làng chài trong tỉnh ngày càng thưa thớt, đìu hiu. Kéo theo đó, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng trở nên vắng vẻ. Ông Đặng Văn Sáu, một chủ cơ sở nước đá ở xã Nghĩa Phú cho biết: “Tôi đã kinh doanh nghề này hơn chục năm qua, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng và nộp thuế từ 10 - 20 triệu đồng.

Tuy nhiên hai năm nay, tàu thuyền không ra vào được cửa biển, nên gia đình tôi đã nghỉ kinh doanh”. Không riêng gì ông Sáu mà hàng chục hộ kinh doanh ở các xã ven biển trong tỉnh phải đăng ký ngừng hoạt động, để không phải đóng khoản thuế ngoài quốc doanh mà chỉ đóng thuế môn bài.

Hằng năm, Đội thuế liên xã Nghĩa Hà - Nghĩa An - Nghĩa Phú được giao chỉ tiêu thu khoảng 800 triệu đồng tiền thuế. Đa phần trong số này là thuế ngoài quốc doanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây nguồn thu này giảm nhiều so với trước.

Về điều này, ông Vũ Đình Phúc - Đội trưởng Đội thuế liên xã Nghĩa Hà- Nghĩa An - Nghĩa Phú lý giải: “Khó khăn nhất hiện nay là tàu thuyền không ra vào được, nên ảnh hưởng đến một số ngành hàng như sản xuất nước đá, kinh doanh hải sản, mua bán tạp hóa... Một khi những ngành hậu cần phục vụ cho tàu thuyền đánh bắt dài ngày không hoạt động được, thì dẫn đến thất thu thuế”.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
         
 


.