Sáng tạo trong chăn nuôi

02:10, 28/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ những con vật quen thuộc, nhiều nông dân trong tỉnh đã thay đổi cách thức chăn nuôi như tạo nguồn con giống từ trong tự nhiên; hay nuôi gà không sử dụng thuốc thú y... Điều đáng nói, đối với họ, chăn nuôi không chỉ là việc làm ăn mà còn là sự đam mê, sáng tạo.

TIN LIÊN QUAN

Chữa bệnh cho gà bằng thuốc nam

Trung bình trong chuồng trại của anh Thới Tấn ở thôn An Định, xã Phổ Thuận (Đức Phổ) lúc nào cũng có từ 4.000 - 5.000 con gà ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Anh Tấn nuôi khoảng 4 - 5 tháng là xuất bán. Với giá từ 65.000 - 75.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm, anh Tấn  thu nhập từ nuôi gà khoảng 100 triệu đồng.

Từ vài con rắn mối câu về nuôi thử nghiệm, đến nay anh Nguyễn Trọng Sơn đã có trong tay gần 2.000 con rắn mối.
Từ vài con rắn mối câu về nuôi thử nghiệm, đến nay anh Nguyễn Trọng Sơn đã có trong tay gần 2.000 con rắn mối.


Anh Tấn cho biết, năm 2012, anh chính thức đầu tư chuồng trại nuôi gà. Khi nhập lứa gà con mới về, anh nuôi cách ly trong nhà có đèn sưởi ấm. Mỗi lứa gà nuôi riêng để bảo đảm sự phát triển và kiểm soát được dịch bệnh. Chuồng gà có lót nhiều rơm rạ giữ ấm và dễ dọn vệ sinh.

Trong khi nhiều người hàng xóm thắc mắc vì ở nhà chỉ nuôi vài chục con, nhưng gà thường xuyên nhiễm bệnh, phải sử dụng thuốc thú y. Anh Tấn lý giải, gà nuôi thả vườn thường tự đi kiếm ăn. Gặp mưa không kịp chạy về chuồng, nên gà dễ bị nhiễm bệnh. Để hạn chế điều này, anh Tấn xây từng khu chuồng thành hai ngăn liền kề nhau, phần có mái che và phần vườn có rào lưới để gà có nơi vừa kiếm ăn, vừa sưởi nắng, trú mưa. Còn khi gà có dấu hiệu bỏ ăn, ủ rũ, anh Tấn sử dụng thuốc nam pha cho gà uống.

Anh Tấn cho hay, nhà có anh trai làm thuốc nam nên đã pha chế, cho gà dùng thử thấy hiệu quả. Từ đó, anh sử dụng trong quá trình nuôi gà để phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc thú y. Hiện anh Tấn đang đầu tư 3ha chuồng trại nuôi heo, nhằm phát triển trang trại của gia đình.

Nuôi rắn mối kết hợp nuôi dế

Nhiều người thường bắt đầu mô hình chăn nuôi bằng cách mua con giống về, được hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra. Còn anh Nguyễn Trọng Sơn ở thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) lại kỳ công gầy dựng nguồn con giống bằng cách đi... câu rắn mối tự nhiên. Câu chuyện ngỡ như "lạ” này lại là cách làm ăn của anh Sơn.

Anh Sơn kể, đầu năm 2016, thấy trong vườn nhà có nhiều rắn mối nên nảy sinh ý định nuôi theo hướng hàng hóa. Ban đầu, anh Sơn cũng lặn lội tìm hiểu khắp các nơi đã nuôi rắn mối. Tuy nhiên, rắn mối giống mua về thường không quen với thời tiết, thổ nhưỡng nên trong lúc nuôi bị hao hụt rất nhiều.

Trong khi đó, nguồn rắn mối ở địa phương lại rất dồi dào. Vậy là, cứ canh trời vừa mưa xong, nắng hửng lên, anh Sơn làm cần đi... câu rắn mối. Từ vài con nuôi thử nghiệm, đến nay anh Sơn đã có gần 2.000 con rắn mối. Rắn mối trong tự nhiên đã quen với môi trường ở địa phương, nên sinh trưởng phát triển tốt.

Sau một thời gian, đến nay khu chuồng trại nuôi rắn mối của anh Sơn được đầu tư bài bản. Anh Sơn cho biết, khi bắt tay vào nuôi rắn mối vì chưa có kinh nghiệm, nên anh nuôi theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Nghĩa là, anh bán một số để lấy vốn đầu tư và giữ lại một ít làm con giống.  Đến nay, anh Sơn đã bán khoảng 1.000 con rắn mối với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/con.

Để tạo nguồn thức ăn cho rắn mối, anh Sơn nghĩ ra cách nuôi dế. “Trong tay có địa chỉ một trại bán dế giống ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam), tôi tìm đến nơi mua trứng dế về và lên mạng tìm hiểu cách ấp nuôi...”, anh Sơn cho biết. Hiện nay anh Sơn đang sở hữu 15 thùng dế các loại. Thức ăn cho dế là lá mì và cám. Không chỉ dùng làm thức ăn cho rắn mối, anh Sơn còn bán dế cho những người nuôi chim cảnh, nhằm tăng thêm thu nhập.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.