Hiểu chưa đúng khuyến cáo về hải sản an toàn: Ngư dân Quảng Ngãi bị vạ lây

04:10, 05/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi người tiêu dùng chưa nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin mà Bộ Y tế khuyến cáo về hải sản an toàn, nên e ngại tiêu thụ hải sản, còn thương lái thì lợi dụng cơ hội này để chèn ép ngư dân. Điều này đã khiến ngư dân Quảng Ngãi gặp khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Thương lái ép

Từ khi Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), ngư dân chật vật, vì bị thương lái chèn ép. Theo phản ánh của các những ngư dân trong tỉnh, mặc dù hải sản của họ được đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa hoặc ngoài khu vực 20 hải lý nhưng khi thu mua, thương lái lại “gán” là thuộc vùng biển ở 4 tỉnh miền Trung.

“Chúng tôi có hải trình chứng minh vùng biển, ngư trường đánh bắt nhưng thương lái đâu quan tâm, mặc nhiên mua thấp hơn 3-4 giá. Mình cũng đành chịu thiệt”, ngư dân Huỳnh Văn M, thôn Tân An, xã Nghĩa An, (TP.Quảng Ngãi) bày tỏ.  

 

Nhiều ngư dân phàn nàn họ bị thương lái
Nhiều ngư dân phàn nàn họ bị thương lái "làm khó" khi tiêu thụ sản phẩm sau sự cố Formosa Hà Tĩnh.

Đối với ngư dân cập cảng ngoại tỉnh, họ lại càng bị thiệt, vì thương lái làm khó và hạch sách đủ kiểu. Ngoài việc hạ giá thu mua, thương lái còn “vẽ” chuyện trừ tạp chất, nước - điều mà từ trước đến nay chưa hề có. “Nếu mình không bán, họ càng ép giá. Mà hải sản đánh bắt về càng để lâu càng khó bán”, ngư dân Lê Tấn Ng, thôn Tân An chia sẻ. Do vậy, dù thu mua với giá thấp hơn thị trường đến 5.000 đồng/kg, nhưng ông vẫn phải bấm bụng bán hơn 10 tấn cá nục cho thương lái.

Theo khảo sát của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, việc tiêu thụ hải sản trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, không có tình trạng tồn đọng hay người tiêu dùng quay lưng. “Do đó, tình trạng thương lái lợi dụng cơ hội để chèn ép ngư dân cần phải được các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Đức Bình - Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh đề xuất.

Cần tuyên truyền cho người tiêu dùng

Việc thương lái chèn ép ngư dân để “mua rẻ, bán đắt” là chuyện thường xảy ra. Chỉ có điều, việc kiểm soát thị trường tiêu thụ thủy, hải sản trong tỉnh dường như bị bỏ ngỏ. Ngay như Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, trong 9 tháng năm 2016 chưa thu bất kỳ mẫu hải sản nào để kiểm tra chất lượng, dù vụ việc cá chết hàng loạt ở vùng biển gần bờ các tỉnh bắc miền Trung do sự cố môi trường biển của Formosa Hà Tĩnh đã khiến ngư dân trong tỉnh điêu đứng.
 
Nguyên nhân theo ông Nguyễn Đức Bình là do kinh phí hạn hẹp, rồi cấp trên cũng chưa... chỉ đạo Chi cục thực hiện việc kiểm tra an toàn hải sản sau sự cố Formosa Hà Tĩnh! “Hơn nữa, sản lượng hải sản trên địa bàn tỉnh quá lớn, nên chúng tôi không thể giám sát toàn diện, mà chỉ thực hiện nếu thương lái hoặc chủ cơ sở thu mua, chế biến có nhu cầu kiểm tra các chỉ tiêu an toàn”, ông Bình cho hay.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, làm thế nào để giám sát chất lượng hải sản “trong vòng cấm”, nhằm tránh thiệt hại cho ngư dân đánh bắt xa bờ? Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tăng cường công tác giám sát tại các cảng cá, bến cá và cung cấp danh sách hải sản tầng đáy thường gặp ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Vậy các địa phương “ngoài vùng cấm” như Quảng Ngãi, việc kiểm soát và quản lý hải sản được thực hiện như thế nào?

Theo ông Lê Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, hải sản liên tục di chuyển. Do đó, dù không bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa Hà Tĩnh, nhưng việc kiểm soát chất lượng hải sản trong tỉnh cũng cần được các ngành chức năng quan tâm thực hiện để vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vừa giúp bình ổn thị trường.
 
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và ngư dân nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin. “Điều này sẽ giúp người dân tin tưởng và lựa chọn tiêu thụ các loại hải sản an toàn, còn ngư dân cũng sẽ chủ động tránh khai thác hải sản ở các vùng biển cấm”, ông Tân cho hay.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.