Dịch vụ ngân hàng: Tiện ích, nhưng quá nhiều loại phí

03:10, 23/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã mở rộng các dịch vụ tiện ích, đa năng, mọi lúc mọi nơi với mục tiêu làm hài lòng khách hàng và tăng doanh thu. Thế nhưng, mức phí cao, chất lượng dịch vụ còn thấp đã làm không ít người sử dụng dịch vụ bức xúc.          

TIN LIÊN QUAN

Đa dạng dịch vụ

Các ngân hàng đã phát triển  hàng loạt các dịch vụ hiện đại trên nền tảng công nghệ thông tin, mạng internet và thiết bị di động như Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Email Banking, Telephone Banking, Autobanking... Với những tiện ích này, khách hàng có thể tiết kiệm nhiều thời gian khi thực hiện các dịch vụ tại ngân hàng.

 

ATM là loại thẻ dịch vụ được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất.
ATM là loại thẻ dịch vụ được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất.

Về dịch vụ thẻ, hiện nay hầu như ngân hàng nào cũng phát hành thẻ và có nhiều chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng. Trong đó, thẻ ATM là lựa chọn số 1, nhằm hướng đến sự an toàn và mục tiêu hạn chế sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn triển khai dịch vụ thẻ thấu chi để giải quyết số tiền vay không quá lớn và thời hạn vay không dài. Thông qua thẻ, khách hàng có thể rút tiền vượt số dư trong tài khoản bất cứ lúc nào, bất cứ đâu khi có máy ATM. Ngoài ra, cùng với sự bùng nổ của internet và thiết bị di động cầm tay, dịch vụ giao dịch trực truyến (E-banking) đang là tâm điểm của ngân hàng hiện nay.

Nhanh chóng, thuận tiện, là những yếu tố khách hàng đánh giá cao dịch vụ E-banking. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng không tạo được sự khác biệt mà đồng loạt cung cấp sản phẩm na ná nhau thì không chỉ khó gặt hái thành công, mà còn có thể dẫn đến sự lãng phí.
Đối mặt với “ma trận” phí

Phải thừa nhận rằng, các dịch vụ của hệ thống ngân hàng đã tạo nhiều tiện ích cho khách hàng. Thế nhưng, để sử dụng các tiện ích này, khách hàng đã phải đối mặt với một “ma trận” phí của ngân hàng. Cụ thể, một khách hàng sử dụng thẻ trả trước và thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM) phải chịu hàng loạt loại phí như phí phát hành thẻ (50.000 – 100.000 đồng); phí phát hành lại thẻ; phí thường niên hoặc phải giữ tối thiểu 50.000 đồng trong tài khoản để duy trì; phí cấp lại mã PIN; phí trả lại thẻ ATM khi bị nuốt thẻ do lỗi khách hàng; phí xử lý khiếu nại khi khách hàng khiếu nại sai; phí in sao kê rút gọn; phí rút tiền; phí chuyển khoản; phí giao dịch trên máy POS; phí SMS báo về điện thoại khi thay đổi số dư; phí sử dụng Internet Banking, phí giao dịch vấn tin và tra cứu số dư (ngoại mạng 550 đồng)...

Chị Lê Thị Huệ (Sơn Tịnh) bức xúc: “Bây giờ hầu hết các cơ quan nhà nước chi trả lương qua thẻ. Theo đó, các tài khoản này sẽ luôn có tiền. Vậy ngân hàng đã sinh lợi từ chính số tiền mà khách hàng vẫn để trong tài khoản rồi còn trừ phí gì nữa. Vô lý hơn là có một số ngân hàng khi người dùng vấn tin số dư, nhưng không in hóa đơn cũng bị mất phí 550 đồng”.

Đồng quan điểm với chị Huệ, ông V.Đ.P, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: “Cơ quan tôi trả lương qua thẻ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Hằng tháng tôi có đăng ký sử dụng thông báo qua tin nhắn nên bị trừ 8.800 đồng, rồi mỗi lần rút tiền bị trừ 1.100 đồng là đã thấy nhiều phí. Vậy mà cứ đến cuối năm, ngân hàng còn trừ của tôi hơn 33.000 đồng phí thường niên nữa thì quá cao.

 Dù bị “bao vây” bởi “ma trận” phí dịch vụ ngân hàng, nhưng nhiều người sử dụng vẫn chưa được phục vụ thỏa đáng. Trong đó, chuyện khách hàng bực mình nhiều nhất là khi cần rút tiền gấp mà cây ATM lại báo “không hoạt động vì lỗi kỹ thuật.

Thu phí dịch vụ là điều bình thường, nhưng nếu có quá nhiều loại phí, người sử dụng sẽ không mặn mà với các dịch vụ nữa. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, các cơ quan chức năng phải rà soát lại các loại phí mà ngân hàng đang áp dụng và có biện pháp chế tài những ngân hàng thu phí quá cao hoặc ngoài quy định.
              
Bài, ảnh: NHẬT UYÊN
 

.