Để ngành chế biến gỗ phát triển

09:10, 22/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm gần đây, ngành lâm nghiệp Quảng Ngãi đã tích cực thực hiện chính sách giao đất giao rừng và các chương trình đầu tư trồng rừng của Nhà nước. Nhờ đó, việc trồng rừng sản xuất được đẩy nhanh, từ đó đã tạo ra được nguồn nguyên liệu gỗ phong phú, ổn định, thúc đẩy ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản của tỉnh phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Nếu như năm 2004, toàn tỉnh có 30 cơ sở chế biến lâm sản thì đến năm 2015 đã tăng lên 472 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Trong đó, hộ gia đình có 363 cơ sở sản xuất mộc dân dụng theo hình thức nhỏ lẻ và 109 cơ sở là tổ chức, chủ yếu sản xuất dăm thô, viên nén, gỗ xây dựng, đóng sửa tàu thuyền... Nguồn nguyên liệu gỗ của tỉnh đã cung cấp cho các cơ sở chế biến này với số lượng khá lớn.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã khai thác được trên 4,5 triệu m3 gỗ rừng trồng tập trung. Riêng năm 2015 các cơ sở chế biến lâm sản trong tỉnh đã sử dụng gần 2 triệu tấn nguyên liệu, trong đó có trên 1,96 triệu tấn gỗ dăm, đạt tổng doanh thu gần 2.470 tỷ đồng...

 

Xuất khẩu dăm gỗ ở Cảng GEMADEPT Dung Quất.                          Ảnh: P.Danh
Xuất khẩu dăm gỗ ở Cảng GEMADEPT Dung Quất. Ảnh: P.Danh


Hiện nay, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh chiếm tỷ trọng khá cao trong ngành nông nghiệp. Giai đoạn từ 2010-2015 đạt trên 1.900 tỷ đồng. Trong đó, giá trị dịch vụ lâm nghiệp đạt trên 93 tỷ đồng, chiếm 4,9% giá trị sản xuất lâm nghiệp. Bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2010-2015 đạt trên 380 tỷ đồng/năm, góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu tập trung vào sản xuất dăm thô, chất lượng các sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh còn thấp. Sản phẩm gỗ rừng trồng đã dần thay thế gỗ rừng tự nhiên, nên thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà máy dăm và các cơ sở, nhà máy sản xuất kinh doanh đồ mộc nội thất cao cấp, ván ép...

Trong khi đó, lâm sản xuất khẩu ra thị trường nước ngoài phần lớn là gỗ dăm làm nguyên liệu giấy (chủ yếu xuất sang các nước Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản). Ngoài ra, do chưa áp dụng chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) được áp dụng để dán nhãn cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, lắp ráp, phân phối gỗ và các sản phẩm gỗ được chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm FSC (chứng chỉ rừng), nên khi xuất khẩu lâm sản đã bị ép giá, làm cho giá thành lâm sản chưa được tiêu thụ đúng với giá trị thực.

Ngành chế biến lâm sản của tỉnh hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là do Nhà nước chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ hoặc ưu đãi các nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất, chế biến kinh doanh lâm sản.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân vì nhu cầu kinh tế trước mắt đã khai thác bán gỗ keo chưa đủ tuổi làm nguyên liệu giấy, dẫn đến bị đối tác ép giá, vì cho rằng gỗ dăm xuất khẩu không đạt chất lượng, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Mặt khác, việc chế biến và xuất khẩu gỗ nguyên liệu phần lớn là xuất thô, chưa chú trọng đến xuất khẩu thành phẩm để tăng giá trị lâm sản nên hiệu quả mang lại chưa cao. Đó là những tồn tại cần sớm được tháo gỡ, để đưa ngành chế biến lâm sản và xuất khẩu gỗ của tỉnh phát triển mạnh và đem lại hiệu quả cao hơn.

 

Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã trồng mới và trồng lại trên 95.300ha rừng và gần 20.580ha cây phân tán. Trong đó, giai đoạn từ 2011-2015 đã trồng mới và trồng lại được 56.674ha rừng và 11.650ha cây phân tán, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2005-2010. Ngoài ra, việc khoán bảo vệ rừng thực hiện gần 162.000ha và khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được gần 34.550ha. Việc hợp tác quốc tế để thu hút nhiều dự án đầu tư vào việc phát triển rừng đã đem lại kết quả tốt, như các Dự án WB3, JIBIC, KfW6, PASA2, JICA2 đã đầu tư cho cộng đồng và các hộ dân trồng mới hơn 23.520ha rừng, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và phát triển được vốn rừng. Nhờ vậy, tỷ lệ độ che phủ rừng tăng lên từ 29,7% năm 2004 lên 51,06% năm 2015.

 

NGUYỄN KHÂM


 


.