Cây mai dương "hoành hành"

08:10, 04/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn Quảng Ngãi có khoảng 1.000ha đất bị cây mai dương xâm chiếm. Trước tốc độ ngày càng lan rộng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp... Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang thực hiện mô hình diệt trừ cây mai dương tại 6 huyện, thành phố.

Mai dương lan nhanh

Nếu như vào năm 2014, diện tích cây mai dương trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 490ha thì đến nay đã tăng thêm 500ha. Xuất hiện ở 13/14 huyện, thành phố. Tập trung nhiều nhất ở các khu vực triền đầm, bờ kênh mương, đường đi nội đồng... khiến nhiều nông dân lo lắng.

 

(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn Quảng Ngãi có khoảng 1.000ha đất bị cây mai dương xâm chiếm. Trước tốc độ ngày càng lan rộng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp... Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang thực hiện mô hình diệt trừ cây mai dương tại 6 huyện, thành phố.
Mô hình diệt trừ cây mai dương được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai ở nhiều huyện, thành phố.

Ông Trần Văn Thắng, ngụ thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức) cho biết: "Mấy năm trước loài cây này rất ít, nhưng giờ đi đâu cũng thấy mai dương. Nhiều bà con dùng dao rựa chặt bỏ, rồi dồn lại đốt, mai dương vẫn cứ mọc với tốc độ mạnh hơn trước. Cứ diệt liên tục nhưng hiệu quả không cao, lại tốn rất nhiều công sức, tiền bạc của nông dân”.

Theo ông Đinh Quang Đạo- Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mộ Đức, cây mai dương thường mọc ở các khu vực gần sông suối. Khi có mưa lũ, hạt mai dương trôi theo dòng nước, phát tán đi khắp nơi, lấn át các loại thực vật bản địa. Theo thống kê chưa đầy đủ vào năm 2014, trên địa bàn huyện đã có khoảng 77ha đất bị cây mai dương xâm chiếm. Việc diệt trừ loài cây gây hại này gặp rất nhiều khó khăn, vì cây phát triển nhanh, tái sinh khi bị chặt bỏ. Hạt của cây mai dương trong 20 năm vẫn có thể mọc cây con.

Diệt trừ bằng nhiều biện pháp

Trước thực trạng cây mai dương “phủ sóng” khắp nơi, mới đây Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai mô hình trình diễn phòng trừ cây mai dương bằng việc kết hợp giữa biện pháp thủ công và hóa học tại 6 huyện, thành phố. Tổng diện tích triển khai mô hình khoảng 6ha.

Huyện Mộ Đức đã mở lớp tập huấn về biện pháp diệt trừ cây mai dương cho nhiều nông dân. Đồng thời thực hiện diệt trừ cây mai dương với diện tích 1ha tại xứ đồng Đạm Thủy, xã Đức Minh. Cách làm là sau khi chặt bỏ cây mai dương có chiều cao trên 1m, sau khi theo dõi có trên 80% mọc mầm tái sinh dài từ 20-50 cm thì dùng hỗn hợp thuốc cỏ Genosat 480SL 4,5 lít/hecta và Garlon 250EC 1,5 lít/ha, với lượng nước phun là 1.000 lít/ha phun đẫm phần thân, lá đến gốc cây. Tỉ lệ cây mai dương chết sau 30 ngày phun thuốc đạt 100%.

Ông Phạm Bá - Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, việc sử dụng biện pháp thủ công kết hợp hóa học để diệt trừ cây mai dương mang lại hiệu quả rất cao. Mô hình trên có tính khả thi nhân rộng để diệt trừ cây mai dương trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế khả năng lây lan của loại cây này. Kinh phí thực hiện diệt trừ cây mai dương bằng biện pháp này cũng không quá lớn. Vì vậy, thông qua mô hình này, các địa phương cần tuyên truyền và nhân rộng để người dân biết cách diệt trừ cây mai dương, nhằm khôi phục lại đất sản xuất.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.