Sản xuất lúa hè thu: Niềm vui chưa trọn

08:09, 06/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 35 nghìn hecta lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch. Vụ sản xuất lúa hè thu 2016 kết thúc không như mong đợi, vì năng suất lúa giảm, rơm rạ thất thu.

TIN LIÊN QUAN

Lúa giảm sản lượng

“Lúa chết cây, lại bị ngả giai đoạn chắc xanh thì chỉ có thu hạt lép thôi!”, bà Trần Thị Đê, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho biết. Vụ hè thu năm nay, lần đầu tiên bà Đê gieo sạ giống VTNA2. Nhìn đám lúa xanh tốt, thoát cổ bông dài mà bà Đê khấp khởi mừng, hy vọng sẽ có được vụ mùa bội thu. Song, người tính không bằng... trời tính! Khi cây lúa bước vào giai đoạn chắc xanh thì trời liên tục mưa giông, kèm gió nên lúa bị ngã đổ. Vì vậy, với hơn 2 sào ruộng mà bà Đê chỉ thu được 8 bao lúa, giảm một nửa so với vụ hè thu 2015.

 

Lúa ngã đổ, thu hoạch lại gặp mưa nên chi phí thu hoạch tăng cao.
Lúa ngã đổ, thu hoạch lại gặp mưa nên chi phí thu hoạch tăng cao.


Ngoài bị ngã đổ do mưa giông, cây lúa còn bị dịch bệnh hoành hành. Bên cạnh những đối tượng gây hại thường gặp như chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá... thì vụ hè năm nay bùng phát bệnh đạo ôn, chết cây và sâu keo.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, sâu keo đã ít xuất hiện trên đồng ruộng Quảng Ngãi từ hơn 5 năm nay. Nhưng không hiểu vì sao, vụ hè thu 2016, đối tượng này đã trở lại và gây hại trên diện rộng. Điều đáng nói, dấu hiệu gây hại của sâu keo tương đồng với rầy nâu, rầy lưng trắng nên rất nhiều nông dân bị nhầm trong việc sử dụng các biện pháp phòng trừ. “Thấy cây lúa bị khô thân, trắng lá nên tôi phun thuốc diệt rầy. Nhưng càng phun thuốc diệt rầy, lúa càng cháy trắng. Đến khi phát hiện đối tượng sâu keo gây hại thì đã muộn”, chị Trần Thị Cảm, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho biết.

Thất thu rơm

Lúa ngả đổ, nông dân không chỉ buồn vì chi phí thu hoạch tăng mà còn bị thất thu rơm. “Năm nào tôi cũng trữ được hai cây rơm cho bò ăn trong mùa mưa. Năm nay rơm ít, lại không có đất trồng cỏ, nên tôi lo không biết tìm đâu thức ăn cho bò”, bà Nguyễn Thị Của, thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) cho hay.

Vụ đông xuân 2015 - 2016, dịch bệnh đạo ôn bùng phát gây hại trên cây lúa, nên nông dân không thu được rơm đạt chất lượng như ý. Hy vọng lấy vụ hè thu “bù” cũng tiêu tan khi cây lúa ngã đổ, khi thu hoạch lại gặp mưa, khiến rơm bị ngâm nước, mục thối.

Trong khi những hộ chăn nuôi lo thiếu thức ăn cho gia súc trong mùa mưa, thì người trồng nấm cũng thấp thỏm vì không thu gom đủ nguyên liệu sản xuất. Do yêu cầu sản xuất nấm cần loại rơm “sạch”, nghĩa là cây lúa không bị ngập nước và ít nhiễm sâu bệnh, nên các hộ trồng nấm phải đặt hàng từ khi chưa thu hoạch lúa.

Thậm chí nhiều hộ còn tranh giành khiến giá rơm tăng vọt, từ 200 ngàn lên 400 ngàn đồng/sào, có nơi 500 ngàn đồng/sào. Lý giải tình trạng này, ông Huỳnh Văn Tịnh, một hộ chuyên trồng nấm rơm ở thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh cho rằng, nấm vụ đông và đông xuân được giá. Đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, giá nấm tăng mạnh, nên ai cũng tăng quy mô sản xuất vào thời điểm này.

Liên tiếp trong hai vụ sản xuất đông xuân 2015 - 2016 và hè thu 2016, năng suất lúa không cao như mong đợi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống nông dân, mà còn gia tăng áp lực chi phí sản xuất trong vụ tiếp theo.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.