Minh Long: Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư

06:09, 13/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Minh Long, theo phương thức lồng ghép các nguồn vốn, là cách làm phù hợp với địa bàn miền núi và nâng cao hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn.

TIN LIÊN QUAN

Tại một xã vùng III hiện có hàng chục chương trình, chính sách như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 30a về giảm nghèo bền vững, Chương trình nông thôn mới... Về cơ bản, các chương trình, dự án lớn đều có hạng mục đầu tư, hỗ trợ như nhau. Nghĩa là, cùng đầu tư hạ tầng (điện, đường, trường, trạm); hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn...

Tuyến đường trung tâm xã Long Hiệp được đầu tư từ nguồn vốn lồng ghép đã phát huy hiệu quả, thay đổi diện mạo vùng trung tâm huyện.
Tuyến đường trung tâm xã Long Hiệp được đầu tư từ nguồn vốn lồng ghép đã phát huy hiệu quả, thay đổi diện mạo vùng trung tâm huyện.

Đây là một trong những thuận lợi trong việc triển khai lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, chính sách, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún và kém hiệu quả. Năm 2012, con đường trung tâm xã Long Hiệp được triển khai đầu tư từ nguồn vốn 30a của Chính phủ lồng ghép với nguồn vốn dự án giảm nghèo Tây Nguyên, với tổng chiều dài gần 2km. Sau một thời gian thực hiện, công trình hoàn thành, với tổng mức kinh phí 27 tỷ đồng, tạo bộ mặt khang trang cho trung tâm huyện Minh Long.

Ông Đinh Văn Điết - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho rằng:   “Không chỉ cơ sở hạ tầng, mà kể cả vốn hỗ trợ an sinh xã hội cũng được vận dụng lồng ghép, tạo nguồn lực lớn trong đầu tư. Riêng về chính sách dân tộc, trong những năm qua, huyện cũng đã thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn để tập trung đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội...” .

Chị Nguyễn Thị Vân, người dân xã Long Hiệp hồ hởi, nói: “Trước đây, mang tiếng là đường trung tâm huyện, nhưng con đường này nhỏ hẹp, đi lại không mấy thuận tiện. Giờ đường vừa to vừa đẹp, lưu thông buôn bán cũng dễ hơn trước nhiều, đúng nghĩa với tên gọi là trung tâm huyện”.

Nhiều công trình hạ tầng khác trên địa bàn xã, như cầu Tịnh Đố ở xã Thanh An, tuyến đường Tập đoàn 13 ở xã Long Hiệp, tuyến đường Làng Ren ở xã Long Môn... cũng được đầu tư từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án.

Ông Dương Văn Minh - Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Minh Long cho biết, nhiều chương trình, dự án có nguồn vốn nhỏ lẻ khi triển khai không đáp ứng với nhu cầu đầu tư tại địa phương. Vì thế, chính quyền đã linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn, nhằm tránh xảy ra tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ do thiếu vốn. “Thực tế việc lồng ghép vốn để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đã cho thấy kết quả khả quan, giúp người dân phát triển kinh tế, giúp địa phương từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Ngoài ra, việc đầu tư hỗ trợ sản xuất, con giống vật nuôi, cũng giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần”, ông Minh cho biết thêm.

Tại xã Long Sơn, chính quyền đã lồng ghép nguồn vốn 30a, 135, vận động các nguồn lực để thực hiện một số nội dung trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Như năm 2012-2013, xã được hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn bộ nguồn vốn này được lồng ghép thêm với nguồn vốn Chương trình 30a để hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật cho người dân. Cùng với đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT hỗ trợ 40 triệu đồng hỗ trợ heo giống, Hội Nông dân tỉnh giải ngân số tiền 300 triệu đồng cho 10 hộ nghèo vay để nuôi bò phát triển kinh tế... đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế, giảm nghèo cho nhân dân trong xã, tăng tiêu chí thu nhập trong chương trình nông thôn mới.

Huyện Minh Long đã và đang chủ động lồng ghép nguồn vốn ngân sách huyện và các nguồn vốn chương trình dự án khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Căn cứ vào kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao hằng năm, UBND huyện phân bổ vốn cho các chủ đầu tư theo định mức đầu tư của Trung ương, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai thực hiện đúng mục đích, mục tiêu, nội dung yêu cầu của chương trình, dự án.

Việc lồng ghép nguồn vốn từ các chính sách đầu tư của Nhà nước được Minh Long thực hiện trong những năm qua, đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng và đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhờ kết hợp có hiệu quả nguồn vốn các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và với ý thức vươn lên của mỗi người dân, đã góp phần phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Minh Long.



Bài, ảnh: VŨ YẾN


.