Lý Sơn – "Thiên đường xanh" liệu có giữ được mình?
Kỳ 3: Mở hướng cho Lý Sơn phát triển bền vững

08:09, 30/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Phải làm sao để Lý Sơn có thể vừa phát triển kinh tế- xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng -an ninh, nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa là bài toán khó cần lời giải từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành liên quan và chính quyền huyện đảo Lý Sơn. 

TIN LIÊN QUAN

Lý Sơn phải là “bảo tàng sống”
 
Đảo Lý Sơn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, gồm 1 đảo lớn, 1 đảo bé và hòn Mù Cu. Theo các tài liệu nghiên cứu, đảo Lớn hay thường gọi là Cù lao Ré, có 5 ngọn núi gồm Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Vung, Giếng Tiền và Hòn Sỏi. Đây là những ngọn núi lửa hoạt động trong thời kỳ tạo sơn đã hình thành nên đảo Lý Sơn và để lại những vết nham thạch lộ thiên, góp phần tạo nên những hang động và cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như chùa Hang, chùa Đục, hang Cò, hang Câu, cổng Tò Vò…
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VHTT& DL: Đặc biệt là 3 miệng núi lửa lộ thiên là Giếng Tiền, Thới Lới và Hòn Tai- đây là ba miệng núi lửa tập trung trên một hòn đảo mà các nơi trên thế giới, không nơi nào có được. Nhiều nhà khoa học, nhiều khách du lịch đã đánh giá, các miệng núi lửa này độc đáo, còn hơn cả miệng núi lửa ở Jeju- Hàn Quốc. 
 
Đảo Bé, xã An Bình, còn gọi là Cù lao Bờ Bãi, có diện tích tự nhiên khoảng 68ha. Cũng như đảo Lớn, về kiến tạo địa chất đảo Bé được hình thành là do sự vận động của núi lửa tạo nên. Hiện nay, trên đảo còn nhiều bãi nham thạch của núi lửa và do sự xâm thực của sóng biển, tạo nên hòn Đụn, hang Chàng Thiếp, bãi Tắm Tiên, hang Kẻ Cướp… có giá trị khai thác du lịch sinh thái biển.
 
Chùa Hang một trog những cảnh đẹp thu hút du khách ở huyện đảo Lý Sơn
Chùa Hang một trong những cảnh đẹp thu hút du khách ở huyện đảo Lý Sơn
 
Cùng với đó, hiện nay, trên đảo Lý Sơn còn gìn giữ một di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, đặc trưng với Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội đua thuyền, thờ cúng cá Ông, Thiên Y A Na…và những giai thoại truyền thuyết thuyết, đặc biệt là những truyền thuyết về chuyện đánh giặc Tàu Ô, đi Hoàng Sa của những bậc tiền hiền, hậu hiền trên đất đảo, những câu ca dân gian, hát hò, hát hố cổ xưa mà chỉ có người Lý Sơn mới giữ gìn được. 
 
Bên cạnh di sản văn hóa phi vật thể, Lý Sơn còn có một hệ thống văn hóa vật thể phong phú, đó là sự đậm đặc hệ thống di tích kiến trúc tín ngưỡng, với hàng trăm di tích có từ vài trăm năm trước. Đặc biệt, là các di tích đình làng, nghĩa tự ở xã An Vĩnh và An Hải, nhà thờ các cai đội, chánh đội Hoàng Sa… gắn liền với đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Đến nay, trên địa bàn huyện Lý Sơn có 4 di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia và 14 di tích xếp hạng cấp tỉnh và còn hàng chục di tích lịch sử- văn hóa được kiểm kê bảo vệ. Hiện nay, Sở VHTT& DL đang lập hồ so di tích thắng cảnh núi Giếng Tiền và Thới Lới đề nghị Bộ VHTT& DL xếp hạng di tích Quốc gia và đã được sự thỏa thuận của Cục Di sản Văn hóa. 

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở VHTT& DL cho biết: Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước,  Ủy ban UNESCO và  Hiệp hội Công viên địa chất toàn cầu khi khảo sát, nghiên cứu nhiều năm về Lý Sơn thì, Lý Sơn là một bảo tàng sống động về di sản thiên nhiên, di sản văn hóa mà không có nơi nào có được, không phải chỉ là của Việt Nam, mà còn là của thế giới.

Đó là chưa kể đến, nơi đây là một khu bảo tồn biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 16 khu bảo tồn biển Quốc gia và UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
 
Nếu bảo tồn tốt, đúng mức, đúng hướng thì nơi đây không chỉ là một khu bảo tồn di sản núi lửa biển, sinh thái biển đặc trưng, khu di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và  thế giới, phục vụ phát triển du lịch, mà còn là một nơi cho các nhà khoa học, các sinh viên, học sinh các trường THPT, các trường cao đẳng, đại học trên thế giới đưa sinh viên, nghiên cứu sinh đến học tập, trao đổi, nghiên cứu. 
 
Để Lý Sơn phát triển bền vững
 
Tuy nhiên, với thực trạng phát triển “nóng” của Lý Sơn hiện nay, với nhiều công trình được xây dựng, đã khiến cho nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh bị xâm hại, đặc biệt là cảnh quan môi trường bị phá vỡ, thậm chí có nguy cơ biến mất, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan môi trường của đảo- tiềm năng chính để phát triển du lịch của Lý Sơn.
 
Để  Lý Sơn phát triển bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cho rằng, phát triển bền vững không phải phát triển ngày một, ngày hai, một năm, hay hai năm mà nó là nhiều năm, nhiều thế hệ; không phải phá vỡ những cái hiện có mà phải bảo tồn và gia tăng thêm giá trị hiện có. Phát triển bền vững là như vậy, chứ chúng ta không mơ hồ là làm cho nó nhiều, thu hút được nhiều đầu tư, làm được nhiều dự án là phát triển. 
 
Chính vì vậy, để Lý Sơn phát triển bền vững, chúng ta phải phát triển gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và mang lại lợi ích cho người dân. Chỉ khi nào sự phát triển đó đem lại lợi ích cho người dân và chỉ khi nào người dân của mình họ thấy được lợi ích thì họ sẽ tự khắc thấy cần phải giữ gìn “nguồn vốn” chung của mình.
 
Cần có những giải pháp để đưa Lý Sơn phát triển bền vững
Cần có những giải pháp để đưa Lý Sơn phát triển bền vững.
 
Mục tiêu của Lý Sơn là phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế biển là trọng tâm, trong đó du lịch, dịch vụ là ưu tiên số 1. Vì thế, đối phát triển mỗi lĩnh vực cũng cần phát triển hướng đi cho phù hợp, không chỉ vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội mà đánh đổi giá trị của văn hóa và môi trường sinh thái đặc trưng.
 
Đặc biệt, do sự phát triển khá “nóng” tại đảo Lý Sơn, Sở VHTT& DL cũng đề nghị UBND tỉnh cần ban hành quy chế về quản lý đất đai, đầu tư tạo huyện đảo Lý Sơn. Đối với những công trình được cấp phép đầu tư trên đảo Lý Sơn cần phải có sự tham gia thẩm định của ngành văn hóa trước khi thực hiện, nhằm đảm bảo những công trình đó không ảnh hưởng đến di sản văn hóa, di sản địa chất và việc lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu. 
“Việc hình thành Công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Lý Sơn- Bình Châu và các vùng phụ cận được hay không là nhờ chính những di tích lịch sử, núi lửa, danh lam thắng cảnh… mà chúng ta đang có. Nếu như chúng ta không gìn giữ và bảo tồn tốt những danh lam thắng cảnh, các đặc sản về địa chất hiện có thì sẽ khó được Unesco công nhận là Công viên địa chất toàn cầu”- Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhận định. 

Tiến sĩ Nguyễn  Đăng Vũ- Giám đốc Sở VHTT& Du lịch nhận định, không phải việc xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… giúp Lý Sơn phát triển bền vững mà chính khi được công nhận Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và Công viên địa chất toàn cầu mới giúp Lý Sơn phát triển bền vững. 

“Vì thế, hiện nay, không nên cho xây thêm bất bất cứ khách sạn nào trên đảo Lý Sơn, mà nên khuyến khích hình thức du lịch cộng đồng để người dân Lý Sơn hưởng lợi từ chính mảnh đất của họ đã bảo vệ và gìn giữ suốt 5- 6 thế kỷ qua. Nếu cho quá nhiều các doanh nghiệp xây dựng các khách sạn, khu giải trí… thì người  dân Lý Sơn không chỉ mất đất đai mà họ cũng trở thành người làm thuê ngay trên chính mảnh đất của họ”- Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ bày tỏ.
 
Đồng thời,  lãnh đạo các sở ngành liên quan và huyện Lý Sơn cần ngồi lại với nhau để cùng nhau tìm ra những giải pháp phù hợp nhất, nhằm cải thiện môi trường du lịch, bảo vệ nguồn nước ngầm trên đảo, cải tiến cách trồng hành tỏi không ảnh hưởng đến môi trường, ban hành quy định về bảo vệ môi trường, xây dựng quy chế quản lý di tích, danh lam thắng cảnh...
 
Đặc biệt, trên cơ sở quy hoạch chung, cần sớm quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân để quy tập, di dời mồ mả, vừa tạo quỹ đất, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường không ảnh hưởng đến cảnh quan huyện đảo và từng bước tuyên truyền cải thiện dần ý thức người dân thích nghi với việc hỏa táng trong tương lai…
 
Có thể nói, tài nguyên thiên nhiên khai thác mãi rồi cũng cạn kiệt, nhưng ngược lại di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh- loại tài nguyên du lịch đặc biệt không bao giờ cạn kiệt, mà sẽ tăng lên cùng với thời gian, nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc phát triển bền vững.
 
Chính vì vậy với những tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho huyện đảo Lý Sơn, nếu chúng ta biết bảo tồn và phát huy một cách đúng đắn thì đây sẽ là điều kiện để Lý Sơn ngày càng phát triển bền vững trong tương lai. 
 
Bảo Ngọc

.