Liên kết sản xuất lúa: Trách nhiệm của doanh nghiệp

07:09, 16/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hợp tác với doanh nghiệp (DN), nông dân có cơ hội tiếp cận các phương thức và kỹ thuật canh tác mới, giúp hiệu quả sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, nông dân cũng mong muốn DN chia sẻ rủi ro với họ khi việc sản xuất bị thiệt hại, do thiên tai, dịch hại...

TIN LIÊN QUAN

Lúa thất thu...

Thông qua HTX NN Bồ Đề, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), bà Bùi Thị Mận đã sử dụng giống lúa TBR225, do Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất và cung ứng để sản xuất trong vụ hè thu vừa qua. Giai đoạn đầu lúa phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, hy vọng sẽ mang lại niềm vui được mùa như vụ đông xuân 2015 - 2016. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn làm đòng và trổ chín, lúa bị nhiễm bệnh chết cây nặng. Kết quả, năng suất lúa chỉ đạt 30 tạ/ha, thấp hơn lúa đại trà 30 tạ/ha.

Không phải DN nào cũng chia sẻ khó khăn với nông dân bằng “bù” vào phần năng suất lúa bị hao hụt so với diện đại trà. (ảnh minh họa)
Không phải DN nào cũng chia sẻ khó khăn với nông dân bằng “bù” vào phần năng suất lúa bị hao hụt so với diện đại trà. (ảnh minh họa)


Theo ý kiến của bà Mận, cũng như hàng chục hộ nông dân sử dụng giống lúa TBR225: “Lúa thất thu là do chất lượng giống, chứ không phải lỗi của nông dân”. Bởi trong quá trình sản xuất, nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, như sử dụng đúng lượng giống gieo sạ, bón phân hợp lý và tích cực phòng trừ dịch bệnh. Hơn nữa, cùng điều kiện thời tiết, nhưng các giống như ĐV108, KD28, ĐH815-6...  chỉ nhiễm bệnh chết cây nhẹ, còn TBR225 thì ngược lại.

Trong khi đó, nhiều nông dân ở xã Phổ Thuận (Đức Phổ) cũng kém vui với giống lúa GL105 do Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình cung ứng. Nguyên nhân, năng suất lúa GL105 chỉ đạt 55 tạ/ha, thấp hơn đại trà hơn 5 tạ/ha. Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Lý, vì lần đầu tiên sử dụng giống lúa GL105, nên ông khá cẩn trọng trong quá trình chăm sóc. Tuy nhiên, không chỉ nhiễm bệnh chết cây, hơn hai sào lúa giống GL105 của ông còn xảy ra tình trạng phân tầng, khiến năng suất sụt giảm.  

Trách nhiệm của DN

 DN liên kết với nông dân trong sản xuất lúa, được xem là hướng đi triển vọng và đang có xu hướng mở rộng. Mối liên kết này giúp nông dân tiếp cận được nguồn giống mới chất lượng, ứng dụng kỹ thuật chăm sóc và các biện pháp phòng trừ dịch hại, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết việc liên kết này đều thông qua “cầu nối” là các HTX NN hay tổ chức khuyến nông các cấp. Vì vậy, nông dân dường như chỉ tiếp nhận thông tin và thực hiện đúng quy trình sản xuất mà DN đưa ra. Còn các vấn đề liên quan như bảo hiểm năng suất, trách nhiệm các bên khi xảy ra rủi ro thì họ không bận tâm vì... đã có “cầu nối” giải quyết. Hơn nữa, nông dân tin tưởng rằng, khi đã liên kết sản xuất, DN sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với họ khi xảy ra rủi ro. Song thực tế, không phải DN nào cũng làm được điều này.

Đơn cử như hai giống lúa TBR225 và GL105. Sau khi được HTX NN Bồ Đề phản ánh tình trạng mất mùa ở giống lúa TBR225, đơn vị sản xuất là Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã trực tiếp làm việc với HTX và nông dân để tìm hiểu nguyên nhân; đồng thời cam kết hỗ trợ cho nông dân bằng cách “bù” vào phần năng suất bị hao hụt so với diện đại trà. Trong khi đó hiện giờ, nông dân sử dụng giống GL105 vẫn chưa nhận được câu trả lời  thỏa đáng từ Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình.

Lúa thất thu, đời sống nông dân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Giữa lúc khó khăn, nông dân luôn mong nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ kịp thời của DN. Động thái này không chỉ giúp nông dân vượt qua khó khăn, mà còn thể hiện quan hệ đối tác giữa DN và nông dân là “lợi cùng hưởng, khó cùng chia”.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.