Khó khăn trong thu thuế tài nguyên

03:09, 19/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh khá sôi động, góp phần đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều khó khăn đặt ra trong công tác quản lý làm hạn chế nguồn thu. Khoáng sản vẫn “chảy” đi và thất thu thuế, phí tài nguyên đã và đang diễn ra...

TIN LIÊN QUAN

Khai thác nhiều, đóng góp ít

Khoản thu chính trong khai thác khoáng sản là thuế tài nguyên. Tuy nhiên, chính việc nộp thuế theo hình thức tự khai tự nộp có nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Luyện – Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết: “Trên thực tế, số khai của DN có sự chênh lệch rất lớn so với khối lượng khai thác, nhưng ngành thuế lại không có chức năng kiểm tra tại nơi khai thác, mà Sở TN&MT là đơn vị quản lý việc khai thác khoáng sản”.

Việc không xác định được khối lượng thực giữa khai thác và số tự khai tự nộp sẽ gây thất thoát thuế tài nguyên.
Việc không xác định được khối lượng thực giữa khai thác và số tự khai tự nộp sẽ gây thất thoát thuế tài nguyên.


Đại diện lãnh đạo một số chi cục thuế ở các huyện có số lượng khai thác khoáng sản nhiều cũng đã nêu ý kiến, trong đó tập trung vào vấn đề khó khăn, bất cập trong thu thuế tài nguyên, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường. Ông Võ Văn Trương – Chi Cục trưởng Chi cục Thuế Tư Nghĩa cho biết: “Lâu nay việc thu thuế tài nguyên gặp nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho ngành thuế. Bởi địa phương biết số khai và nộp thuế của các đơn vị khai thác là chưa phù hợp, nhưng không thể kiểm tra, đối chiếu”.

Còn tại Quyết định số 22 của UBND tỉnh về phí bảo vệ môi trường đã quy định rõ: Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại. Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản thuộc đối tượng chịu phí nêu trên.

Phí bảo vệ môi trường này là khoản thu mà ngân sách cấp huyện, thành phố hưởng 100%, để thực hiện công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Mức thu phí cũng được quy định cụ thể, cao nhất là 270.000 đồng và thấp nhất là 1.000 đồng trên một đơn vị tính. Tuy nhiên, thực tế việc thu loại phí này lâu nay cũng “khai sao thu vậy”.
 

Sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trong khai thác
Tại buổi làm việc với Cục Thuế tỉnh vào ngày 7.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã giao Sở Tài chính có văn bản gửi lên UBND tỉnh để tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại các mỏ khai thác trước 30.9.2016, nhằm xác định khối lượng khai thác thực so với số tự khai, tự nộp của DN.

Không chỉ khai báo không trung thực về khối lượng khai thác khoáng sản, mà thậm chí có nhiều DN khai thác ồ ạt, nhưng cố tình không khai nộp thuế. Bên cạnh đó, có nhiều DN đã được cấp phép khai thác khoáng sản, nhưng lại không khai thác và không có mặt tại địa phương, nên ngành thuế rất khó quản lý.

“Hiện trên địa bàn huyện Bình Sơn có 3 đơn vị được tỉnh cấp phép quyền khai thác, nhưng không tiến hành khai thác. Trong đó, có 1 đơn vị tỉnh đã thu hồi giấy phép, còn 2 đơn vị chúng tôi cũng đã có ý kiến đề nghị tỉnh thu hồi. Tuy chưa rõ ràng, nhưng số nợ từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở 3 đơn vị này khoảng 10 tỷ đồng”, ông Nguyễn Tấn Quý – Chi Cục trưởng Chi cục Thuế Bình Sơn, cho biết.

Siết chặt cấp phép, phối hợp kiểm tra

Dù đã nỗ lực thu thuế tài nguyên, nhưng do còn nhiều bất cập trong công tác quản lý như đánh giá chưa đúng, chưa đủ, thiếu khách quan về trữ lượng, nhiều lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản... Trong khi đó, Nhà nước chưa đủ công cụ để quản lý khai thác khoáng sản, nên việc quản lý hiện chủ yếu chỉ dựa vào báo cáo của các DN và đánh thuế trên bản báo cáo tự nguyện đó. Như vậy, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng DN có thể khai nhiều hoặc ít theo tính toán có lợi nhất cho mình.

Mặt khác, việc đánh giá trữ lượng khoáng sản cũng được giao cho các DN đảm nhiệm, UBND tỉnh quyết định về trữ lượng khoáng sản trước khi cấp phép thì cũng dựa vào báo cáo của DN để đưa ra quyết định. Vì thế, khả năng báo cáo đưa ra trữ lượng thấp hơn trữ lượng thật khi khai thác là điều khó tránh khỏi.

Một trong những khó khăn nữa là dù được tỉnh cấp phép, nhưng tại các địa phương có mỏ lại không biết mỏ đó cấp phép cho ai và đã thu hay chưa. Do đó, để việc cấp phép, quản lý khai thác và đóng thuế của DN được chặt chẽ, tránh thất thoát thuế thì các cơ quan liên quan phải có sự phối hợp, cung cấp thông tin cho nhau.

Đặc biệt, cơ quan quản lý việc khai thác là Sở TN&MT phải thường xuyên kiểm tra, sử dụng thiết bị máy đo để xác định khối lượng khai thác thực của các DN. Từ đó mới đánh giá được đơn vị nào khai đúng, khai đủ số thuế, phí phải nộp vào ngân sách. Đồng thời, theo quy định đến 30.9 phải đóng mỏ khai thác khoáng sản. Do đó, cần phải nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các mỏ khai thác. Bởi nếu để qua mùa mưa sẽ rất khó kiểm tra, xử lý.
       

Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.