Hợp tác xã kiểu mới: Vượt khó, sống khỏe

04:09, 12/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ động liên kết với doanh nghiệp (DN) để mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; tạo chuỗi giá trị sản xuất theo nhu cầu thị trường và phục vụ lợi ích thành viên... đã giúp các Hợp tác xã (HTX) kiểu mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vượt khó, sống khỏe.

TIN LIÊN QUAN

Mạnh dạn + chủ động = Giàu

Ngoài trụ sở khang trang thuộc loại nhất nhì tỉnh, HTX Tịnh Thọ, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) còn khiến nhiều người bán tín bán nghi khi sở hữu... hai máy gặt đập liên hợp, một xưởng sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN), một vườn ươm giống cây lâm nghiệp, 60ha rừng và Quỹ tín dụng nội bộ lên đến 1,4 tỷ đồng.

Mỗi năm, doanh thu của HTX Tịnh Thọ đạt gần 9 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách địa phương hơn 100 triệu đồng, thu nhập bình quân của cán bộ HTX trên 3 triệu đồng/người/tháng và được tham gia đầy đủ các loại hình BHYT, BHXH. “Kết quả trên có được là nhờ thành viên đồng thuận, Ban quản trị thì... làm liều!”, ông Nguyễn Văn Hoàng- Chủ tịch HĐQT HTX Tịnh Thọ chia sẻ. Đơn cử như dịch vụ sản xuất, chế biến và cung ứng TĂCN.

Để có thể cung ứng hơn 300 tấn TĂCN, phục vụ nhu cầu chăn nuôi hằng năm cho người dân trong và ngoài xã như hiện nay, HTX Tịnh Thọ đã trải qua không ít thăng trầm. Từ việc tự bỏ kinh phí di dời 75 ngôi mộ để giải phóng mặt bằng, mày mò học cách sản xuất và chế biến TĂCN, đến liên kết với DN trong việc cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà HTX Tịnh Thọ đối mặt chính là niềm tin trong dân.

Nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ HTX Nấm Đức Nhuận chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ sản xuất.
Nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ HTX Nấm Đức Nhuận chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ sản xuất.


“Người dân chưa tin tưởng chất lượng TĂCN do HTX sản xuất, cộng với sự cạnh tranh của các đại lý tư nhân, nên khách hàng ít, thu không đủ chi”, ông Hoàng nhớ lại. Vốn ít, hàng ứ đọng khiến HTX rơi vào cảnh khó khăn, nhưng Ban quản trị (BQT) HTX quyết không bỏ cuộc mà tự tìm hướng đi mới. Đó là thu mua nông sản của người dân địa phương để chế biến TĂCN; hợp tác với một DN sản xuất TĂCN uy tín để cung ứng tận nhà sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng cho người dân theo hình thức “mua trước trả sau”. Kết quả, người dân ngày càng tin dùng sản phẩm TĂCN do HTX sản xuất và cung ứng. Doanh thu vì thế cũng liên tục tăng và hiện đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm.

Nối tiếp thành công của dịch vụ kinh doanh TĂCN, BQT HTX Tịnh Thọ mạnh dạn đầu tư phát triển vườn ươm giống cây lâm nghiệp sau khi được tổ chức lâm nghiệp Phần Lan hỗ trợ vốn, kỹ thuật và thiết bị máy móc. Lý giải hướng đi này, ông Hoàng cho rằng: “Lâm nghiệp là lĩnh vực thế mạnh của khu tây huyện Sơn Tịnh, trong đó có xã Tịnh Thọ”. Biết thế, nhưng để cây keo giống đến tay người dân là điều không dễ, vì HTX chưa có kinh nghiệm trong sản xuất mặt hàng này.

Vì thế, HTX chỉ sản xuất keo giống để trồng trên 60ha rừng của mình. Tuy nhiên, sau một năm, rừng keo của HTX phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt rất thấp lại ít sâu bệnh. Kết quả này đã giúp cây keo giống của HTX Tịnh Thọ chiếm được lòng tin của người dân. Sản lượng tiêu thụ vì thế cũng đạt trên 500 nghìn cây mỗi năm. Sau đó, HTX Tịnh Thọ phát triển thêm 5.000 cây đầu dòng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và cung ứng 1 triệu cây keo giống cho các thành viên, thị trường.

Hoạt động khởi sắc, người dân đăng ký sử dụng dịch vụ HTX cũng liên tục tăng và hiện đạt 2.400 người. “Mua thức ăn chăn nuôi, cây keo giống, hay phân bón ở HTX thì không sợ hàng dỏm. Đã thế, giá bán lại thấp hơn các đại lý mà nông dân không phải trả tiền liền, nên bà con chúng tôi bớt chật vật”, bà Nguyễn Thị Của, thôn Thọ Đông lý giải nguyên nhân đăng ký làm thành viên HTX Tịnh Thọ.

Sống khỏe nhờ... đam mê

Trong khi HTX Tịnh Thọ “thoát nghèo” nhờ năng động, mạnh dạn đổi mới thì HTX Nấm Đức Nhuận, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) lại sống khỏe nhờ niềm... đam mê! Năm 2011, HTX Nấm Đức Nhuận ra đời từ “hạt nhân” là 12 hộ dân xã Đức Nhuận có cùng sở thích và đam mê trồng nấm bào ngư và nấm rơm. Sau 5 năm thành lập, từ một HTX non trẻ thì đến nay, HTX Nấm Đức Nhuận đã khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Mỗi năm, HTX cung ứng hàng triệu túi phôi và hàng trăm tấn sản phẩm nấm linh chi, bào ngư cho thị trường các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lê Giang Phong - Giám đốc HTX Nấm Đức Nhuận thì: “Cái được lớn nhất mà HTX mang lại không phải là số tiền thu bao nhiêu, mà là giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh có việc làm, tăng thu nhập nhờ trồng nấm”.

Bởi, không chỉ cung cấp phôi nấm cho thị trường, cán bộ kỹ thuật HTX Nấm Đức Nhuận còn trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho người dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu nhờ... nấm! Đơn cử như ông Trần Thanh Tịnh, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành).

Qua các kênh thông tin, ông Tịnh biết và tìm đến HTX Nấm Đức Nhuận để học hỏi cách trồng nấm. Song, thay vì trồng nấm rơm như nhiều hộ dân trong xã, ông Tịnh lại chọn trồng nấm bào ngư và nấm sò. “Hai loại nấm này dễ làm, dễ bố trí khu vực sản xuất, lại dễ bán vì ít người trồng”, ông Tịnh lý giải. Sau khi được anh Phong tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, cũng như hỗ trợ cách xây dựng và bố trí khu vực sản xuất, ông Tịnh phập phồng... trồng nấm!

Vụ đầu thất thu, ông Tịnh nản. Nhưng nhờ sự hỗ trợ và động viên của các thành viên HTX Nấm Đức Nhuận, ông Tịnh tiếp tục... thử duyên với nấm. Sau 3 năm, ngoài nấm bào ngư và nấm sò, ông Tịnh còn nắm vững kỹ thuật trồng nấm rơm và nấm linh chi. Vụ nào trồng nấm ấy, nên hiệu quả sản xuất tăng đáng kể. “Mỗi năm, tôi trồng hơn hai chục nghìn phôi nấm các loại. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi gần 50 triệu đồng”, ông Tịnh cho hay.

Theo ông Lê Giang Phong, nghề trồng nấm hiện cho hiệu quả kinh tế rất cao vì chi phí thấp, nông dân lại tận dụng phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, “điểm cộng” cho nấm là thị trường tiêu thụ rộng lớn, nên nông dân không lo xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá” như các mặt hàng khác. Ngay như HTX Nấm Đức Nhuận, ngoài lượng nấm do đơn vị sản xuất, HTX còn tổ chức thu mua nấm của các hộ dân để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Song thực tế, các hộ trồng nấm cũng không đủ nấm để cung cấp cho bạn hàng của mình, nên thường “lỡ hẹn” với HTX.

Thoát khỏi tư tưởng xin- cho

Từ thành công của HTX Tịnh Thọ, ông Nguyễn Văn Hoàng  cho rằng, muốn HTX thoát nghèo và vươn lên làm giàu thì BQT và thành viên phải chủ động thoát khỏi tư tưởng xin - cho. Bởi, mục tiêu của HTX là phục vụ nhu cầu thành viên, lấy lợi ích của thành viên làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Vì vậy, “nếu hoạt động nào mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên thì HTX minh bạch thông tin, chủ động huy động nguồn vốn và tổ chức thực hiện ngay. Đừng ngần ngại, do dự”, ông Hoàng cho hay.

Phát triển vườn ươm giống cây lâm nghiệp của HTX Tịnh Thọ.
Phát triển vườn ươm giống cây lâm nghiệp của HTX Tịnh Thọ.


Thực tế, những “quả ngọt” mà HTX Tịnh Thọ, HTX Nấm Đức Nhuận gặt được là minh chứng cho tinh thần mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ dám làm. Đặc biệt là HTX Tịnh Thọ - kết quả của việc sáp nhập 5 HTX Tịnh Thọ Đông, Tịnh Thọ Tây, Tịnh Thọ Nam, Tịnh Thọ Bắc và Tịnh Thọ Trung. Năm HTX này đều có tài sản, nguồn vốn, cách thức tổ chức hoạt động và hướng phát triển khác nhau, nên hiệu quả cũng không giống nhau. Vì vậy, để 5 HTX này về “một nhà", hình thành HTX kiểu mới là bài toán nan giải đối với chính quyền và BQT các HXT. “Thành viên nghi ngại HTX sau sáp nhập sẽ hoạt động kém hiệu quả, lợi ích suy giảm”, ông Hoàng chia sẻ.

Giải tỏa lo lắng ấy, BQT HTX Tịnh Thọ không chỉ đổi mới và mở rộng các dịch vụ sản xuất kinh doanh, mà còn mạnh dạn “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ và đầu tư trang thiết bị máy móc, nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động. Kết quả, HTX ngày càng khởi sắc, thành viên tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ, tham gia xây dựng các phương án và tổ chức sản xuất, đóng góp các khoản phí theo quy định của Nhà nước.


Thành công của HTX Tịnh Thọ, HTX Nấm Đức Nhuận chính là động lực để hơn 270 HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi mạnh dạn thay đổi phương thức hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, góp phần vào sự thành công của chương trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.