Xử phạt vi phạm lĩnh vực thủy sản: Giơ cao, đánh khẽ

05:08, 24/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2015 và 2016, Chi cục Thủy sản tỉnh phát hiện và xử phạt 25 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, với số tiền gần 80 triệu đồng. Kết quả này được xem là “khiêm tốn”, so với mức độ và quy mô vi phạm trong lĩnh vực này thời gian qua.

TIN LIÊN QUAN

Ngư dân chủ quan

Tháng 8.2015, hai ngư dân Trần Đình Thêm và Lê Đài, cùng ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) bị lực lượng thanh tra của Chi cục Thủy sản xử phạt mỗi người 14 triệu đồng. Nguyên nhân là hai ngư dân trên tự ý đóng mới tàu cá, khi chưa được sự chấp thuận của ngành chức năng; rồi “quên” ký hợp đồng giám sát kỹ thuật với cơ quan đăng kiểm. Ngư dân Trần Đình Thêm giãi bày: “Tôi nghĩ đóng tàu trước, còn giấy tờ, thủ tục thì mình bổ sung sau. Khi bị thanh tra kiểm tra và xử phạt, tôi mới biết làm thế là sai quy định”.

Việc thanh, kiểm tra và xử lý thực hiện hầu hết ở tàu thuyền, các nội dung còn lại rất khó thanh kiểm tra và xử  lý.
Việc thanh, kiểm tra và xử lý thực hiện hầu hết ở tàu thuyền, các nội dung còn lại rất khó thanh kiểm tra và xử lý.


Cũng vì “quên” báo cáo cơ quan chức năng trước khi triển khai đóng mới tàu mà đầu tháng 3.2016, ngư dân Ngô Như Linh, xã Nghĩa An cũng bị thanh tra Chi cục Thủy sản xử phạt hành chính 6 triệu đồng. Khác với ông Thêm và ông Đại, ông Linh biết rất rõ những quy định trên, nhưng vì nghĩ tàu mình công suất nhỏ, lại hoạt động gần bờ nên “sẽ không sao”. Song, theo Nghị định 103 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì, việc xử phạt thực hiện theo phạm vi hoạt động và mức độ vi phạm của tàu, chứ không phân biệt công suất tàu.     

Ngược lại, lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản lại ít bị các ngành chức năng bắt lỗi. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, các ngành chức năng của tỉnh chỉ phát hiện và bắt giữ 2 vụ/10 cá thể rùa biển khai thác trái phép. Riêng những trường hợp tàu hoạt động sai tuyến, gây nhiều thiệt hại cho ngư dân đánh bắt vùng bãi ngang, nhưng hiện giờ vẫn chưa có chủ tàu nào bị xử lý.
 

Theo Nghị định 103 của Chính phủ, mức phạt tối đa đối các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, cơ sở dịch vụ hoạt động thủy sản, nuôi trồng thủy sản; thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản; các hành vi về an toàn thực phẩm thủy sản là 100 triệu đồng (đối với cá nhân) và 200 triệu đồng (đối với tổ chức).

Ngành chức năng gặp khó         

Ông Nguyễn Văn Mười - Chánh Thanh tra Chi cục Thủy sản cho rằng, sở dĩ mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản ngày càng gia tăng, nhưng việc phát hiện và xử lý lại “khiêm tốn” là do lực lượng và phương tiện tuần tra, kiểm soát quá mỏng.

“Phòng Thanh tra - Pháp chế của Chi cục Thủy sản chỉ có hai người mà phải đảm nhận kiểm tra kỹ thuật của hơn 5.500 tàu cá; rồi còn kiểm soát khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như chất lượng giống, vật tư thủy sản... thì làm sao hiệu quả?”, ông Mười đặt vấn đề.

Đơn cử như tình trạng tàu hoạt động sai tuyến. Dù biết trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tàu (phần lớn là tàu lưới kéo) vi phạm, nhưng vì không có phương tiện tiếp cận những tàu này, nên lực lượng thanh tra cũng chỉ biết... đứng nhìn! Vì theo quy định, việc bắt giữ và xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với tàu đang hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển!


Vấn đề khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản cũng là thực trạng đáng báo động, bởi quy mô và mức độ vi phạm trong khai thác rùa biển ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mười thì “rất khó kiểm soát và chấn chỉnh", vì ngư dân lén lút khai thác và buôn bán ngoài biển, còn lực lượng chức năng (trừ lực lượng biên phòng) thì không thể tiếp cận đối tượng vi phạm. Vì vậy, ngày càng có nhiều ngư dân vi phạm và thách thức lực lượng chức năng, thường xuyên hoạt động sai tuyến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và nguồn lợi gần bờ.

Trước thực trạng trên, năm 2014, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ tỉnh một chiếc tàu chuyên dụng phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển kết hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Song, đã gần hai năm, lực lượng chức năng của tỉnh vẫn chưa có phương tiện hỗ trợ. Việc phát hiện và xử lý hành chính trong lĩnh vực thủy sản vì thế cũng chỉ thực hiện theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ” và đành trông chờ vào ý thức của ngư dân.
         

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.