Hiệu quả từ những cánh đồng mẫu lớn

09:08, 09/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bình Dương (Bình Sơn) là xã đi đầu trong thực hiện công tác dồn điền đổi thửa của tỉnh, đến nay đã thực hiện được 357ha (100% kế hoạch), tạo ra những cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn xã, được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thí điểm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đất dồn điền đổi thửa để tạo mô hình nhân rộng trong toàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện chủ trương trên, từ năm 2013 Sở KH&CN đã giao cho HTX NN Bình Dương chủ trì Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả trên đất dồn điền đổi thửa tại xã Bình Dương”. Dự án thực hiện trong 2 năm, với tổng kinh phí 18,2 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 2,7 tỷ đồng, ngân sách huyện 513 triệu đồng, vốn của HTX và xã viên 14,9 tỷ đồng), với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên đất dồn điền đổi thửa.

Cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch

Từ nguồn vốn của Dự án, HTX đã mua sắm 5 chiếc máy cày lớn hiệu Kubuta, trị giá 1,544 tỷ đồng và sử dụng vốn của HTX và xã viên mua thêm 2 chiếc, trị giá 742,5 triệu đồng. Trước đó, HTX đã hỗ trợ cho các hộ gia đình vay vốn để sắm máy, như mua máy gặt đập liên hợp - máy làm đất từ 2.900CV trở lên được vay 100 triệu đồng, sau 3 năm thanh toán lại cho HTX với lãi suất 0,5%/tháng; nên toàn HTX đã có 14 máy gặt đập liên hợp ở 14 đội sản xuất.

Nhờ đó, việc phục vụ cơ giới khâu làm đất tốt hơn trước rất nhiều; tiết kiệm cho người trồng lúa khoảng 20% giá trị khâu làm đất. Khâu thu hoạch cũng nhanh gọn, an toàn, với giá chỉ từ 180 - 200 nghìn đồng/sào. Riêng hộ nghèo còn được ưu tiên giảm thêm 10% giá dịch vụ.

Cảnh quan đồng ruộng xã Bình Dương.                                 Ảnh: N.K
Cảnh quan đồng ruộng xã Bình Dương. Ảnh: N.K


Đối với khâu cơ giới hóa làm đất và thu hoạch, mỗi năm HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ thành viên khoảng hơn 380 triệu đồng và làm lợi cho HTX 124 triệu đồng, ngoài ra còn giải quyết việc làm cho 40 lao động vận hành máy. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi các vùng lúa có năng suất thấp sang trồng cây đạt hiệu quả cao cho thành viên, nhất là cây ớt đã được bà con xã viên tập trung phát triển mạnh với diện tích từ 100 - 125ha. Việc trồng ớt cũng được cơ giới hóa từ khâu làm đất, vun hàng bằng máy, tiết kiệm được 50% công sức lao động, làm lợi cho xã viên từ 500- 700 nghìn đồng/sào.  
 

"Việc Nhà nước hỗ trợ nguồn lực để HTX thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng trên đất dồn điền đổi thửa đã đem lại hiệu quả rất lớn. Mô hình này đang tiếp tục nhân rộng tại xã Bình Dương bằng các giải pháp như khuyến khích, hỗ trợ xã viên thanh lý máy nhỏ, mua máy lớn để tăng hiệu quả cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch và thực hiện cày ải sâu, vùi cỏ kỹ cho mau mục nên khỏi dùng thuốc trừ cỏ. Đó là thành công lớn của Dự án cần sớm được nhân rộng đến các HTX NN trong toàn tỉnh".
Ông Đỗ Minh Huấn - Chủ tịch UBND xã Bình Dương nhận xét.

Ứng dụng khoa học để cải tạo đồng ruộng    

Đồng ruộng xã Bình Dương có địa hình bằng phẳng, thuộc vùng đất phù sa do hạ lưu sông Trà Bồng và trầm tích cát biển tạo thành, nên có nhiều vùng bị nhiễm phèn nặng. Qua nghiên cứu, các viện, trường thuộc ngành nông nghiệp đã hướng dẫn cho HTX thực hiện các biện pháp cải tạo phèn mặn bằng cày ải sâu, phơi đất, dầm nước, thay chua rửa mặn, kết hợp với bón vôi nông học và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây lúa bằng cách bón phân cân đối NPK, tăng lân giảm đạm, không sử dụng phân có nhiều axít làm ảnh hưởng đến thân rễ của cây trồng.

Bên cạnh đó, HTX đã chọn các giống HT1, SH2, Thuần Việt 2 để đưa vào sản xuất thực nghiệm trên cánh đồng mẫu lớn và quy hoạch thành 2 cánh đồng riêng biệt cho lúa lai và lúa thuần, nên rất thuận lợi trong việc điều tiết nước, quản lý dịch bệnh và thu hoạch đại trà bằng thiết bị cơ giới.

Qua 3 vụ sản xuất (2014 - 2015), HTX đã thực hiện gần 620ha, vượt gần 170ha so với kế hoạch của Dự án. Năng suất lúa đạt bình quân 65,2 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân của lúa đại trà 6,1 tạ/ha và cao hơn các năm trước 9,2tạ/ha; làm lợi cho nông dân trong toàn xã hơn 28,5 triệu đồng/2 vụ/năm, cao hơn trước đây khoảng 3,5 triệu đồng/ha.

 Nhờ chính quyền và HTX đồng tâm hợp lực thực hiện các việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường, nhất là xã viên không còn bơm thuốc cỏ trên các cánh đồng đã làm cho môi trường nông thôn mới ở Bình Dương ngày càng trong lành, xanh, sạch, đẹp, được các cấp ngành đánh giá rất cao.


NGUYỄN KHÂM     




 


.