Đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng: Học xong... để đó

11:08, 18/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tích cực tham gia các khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, nhưng vì gặp khó khăn trong việc chuyển đổi nghề, hoặc nâng công suất tàu để vươn khơi xa, nên nhiều ngư dân không có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế.

Hào hứng học...

Năm 2014, khi lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng mở tại địa phương, ngư dân Nguyễn Tiến, xã Đức Minh (Mộ Đức) hào hứng đăng ký tham gia. “Tham gia lớp học giúp tôi biết thêm nhiều thứ liên quan đến ngư trường đánh bắt, kỹ thuật sử dụng cũng như cách xử lý tàu thuyền khi gặp sự cố”, ông Tiến nhớ lại. Vì thế, dù khóa học kéo dài đến 10 ngày, nhưng ông Tiến vẫn gác lại công việc của mình để đến lớp.

Ngư dân vùng bãi ngang không có cơ hội thực hành những kiến thức thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 vào thực tế.
Ngư dân vùng bãi ngang không có cơ hội thực hành những kiến thức thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 vào thực tế.


Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Vũ Long, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) cũng rất phấn khởi khi ghi danh vào lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, dù con tàu của ông chỉ có công suất 40CV. Với suy nghĩ, “có điều kiện thì mình học, lúc cần sẽ sử dụng” nên ông Long rất tích cực tham gia khóa đào tạo. Bởi, ngư dân Nguyễn Vũ Long luôn hy vọng sẽ có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học bằng cách làm tài công cho tàu đánh bắt xa bờ, hoặc sớm nâng cấp công suất con tàu từ 40CV lên trên 400CV để vươn khơi xa.

Thực tế, những lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 được các đơn vị như Hội Nghề cá, Nghiệp đoàn nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh hay Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ sở đào tạo trong nước mở tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của ngư dân. Thông qua lớp học này, ngư dân không chỉ được trang bị kỹ thuật điều khiển và sử dụng tàu công suất lớn, mà còn tiếp cận nghiệp vụ khí tượng hải dương, tìm hiểu các ngư trường đánh bắt tiềm năng, những quy tắc xử lý cứu nạn, cứu hộ trên biển...
 

“Ngư dân cần được đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, nhưng không vì thế mà chúng ta làm theo phong trào dạy nghề. Nếu việc đào tạo không gắn với nhu cầu và điều kiện thực tế của ngư dân, hiệu quả mang lại cũng sẽ rất thấp”.
Ông PHÙNG ĐÌNH TOÀN - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh.

...rồi “gác” chứng chỉ

Giai đoạn 2008 - 2012, có gần 3.500 ngư dân tham gia các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 do Hội Nghề cá, Nghiệp đoàn nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp tổ chức. Tuy nhiên, vì toàn bộ chi phí khóa học do học viên chi trả, nên chỉ những ngư dân đã hoặc đang nâng cấp, đóng mới tàu công suất trên 400CV mới đăng ký tham gia khóa đào tạo này. Vì vậy, sau khi hoàn thành khóa học, ngư dân có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an toàn cũng như nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản trên các vùng biển xa.

Tuy nhiên, từ năm 2013, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh, các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 được tổ chức miễn phí, nên những ngư dân vùng bãi ngang, đánh bắt thủy hải sản gần bờ cũng có cơ hội tham gia. Có điều, học xong khóa học phần lớn những ngư dân này đã... cất chứng chỉ vô thời hạn!

Bởi, khóa đào tạo trang bị kiến thức phục vụ cho việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản xa bờ, mà họ thì quanh năm gắn bó với vùng bãi ngang. “Tàu lớn,  người ta cần tài công có nhiều kinh nghiệm, chứ chúng tôi mới học nghề 10 ngày, ai mà nhận. Còn nâng công suất tàu từ 40CV lên trên 400CV thì tôi không có điều kiện”, ông Tiến cho biết.

Trong khi ngư dân dần “quên” kiến thức đã học vì không có điều kiện áp dụng vào thực tế, thì các ngành liên quan cũng bỏ ngỏ việc đánh giá kết quả. Đây là một sự lãng phí rất lớn đối với ngân sách nhà nước. Thực tế cho thấy, thời gian qua, chỉ có một bộ phận nhỏ ngư dân đánh bắt xa bờ hiệu quả mới thực việc nâng cấp, đóng mới tàu có công suất lớn.

Với ngư dân đánh bắt thủy hải sản gần bờ, vì nguồn lực hạn chế, nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề, hoặc đầu tư mua sắm phương tiện để sản xuất ở vùng biển xa. Vì thế, chuyện học thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 xong rồi... bỏ đó cũng không có gì khó hiểu đối với các ngư dân vùng bãi ngang trong tỉnh.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.