Xâm phạm vùng biển nước bạn: Ngư dân tự hại mình

05:07, 30/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngư dân sẽ gặp nguy hiểm, rủi ro, thậm chí phải ở tù, nếu vi phạm vùng biển nước bạn, bị chính quyền nước sở tại phát hiện, bắt giữ. Song, có không ít ngư dân Quảng Ngãi vẫn bất chấp rủi ro vào vùng biển các nước khác khai thác thủy sản.

Bất chấp rủi ro

Theo lịch trình đăng ký, tàu ông Trương Quang T, xã Bình Châu (Bình Sơn) xuất bến ngày 19.11.2015 và sẽ hoạt động khai thác tại vùng biển Hoàng Sa. Tuy nhiên, sau đó ông T cho tàu chạy đến vùng biển Papua New Guinea để tìm kiếm vận may với hải sâm. Sau gần một tháng khai thác tại vùng biển này, ông T và 15 lao động trên tàu khấp khởi mừng, vì thu được hơn 10 tấn hải sâm, trị giá gần 6 tỷ đồng.

 

Dù sẽ bị lực lượng chức năng của tỉnh thu hồi giấy phép khai thác và không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 của Chính phủ, nhưng vẫn có nhiều ngư dân bất chấp, cố tình vi phạm vùng biển các nước  (ảnh minh họa).
Dù sẽ bị lực lượng chức năng của tỉnh thu hồi giấy phép khai thác và không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 của Chính phủ, nhưng vẫn có nhiều ngư dân bất chấp, cố tình vi phạm vùng biển các nước (ảnh minh họa).


Tuy nhiên, "may mắn" đã không mỉm cười với ông T, khi trên đường trở về Việt Nam, con tàu đã bị lực lượng chức năng của Papua New Guinea phát hiện và bắt giữ. Ngoài việc mất tàu, toàn bộ ngư lưới cụ và sản phẩm, thì tất cả thuyền viên trên tàu đều bị chính quyền Papua New Guinea phạt từ 2- 4 tháng tù.

Bất chấp rủi ro mà người hàng xóm Trương Quang T gặp phải, ngày 18.2.2016, hai chiếc tàu của ngư dân Lê Văn S, Nguyễn Đ và Đỗ Duy C, cùng 28 lao động ngụ tại xã Bình Châu cũng lén lút thay đổi hải trình, đến vùng biển Úc mong “đổi đời” với hải sâm. Tuy nhiên, lợi chưa thấy, hại đã bủa vây. Với gần 20 tấn hải sâm vừa khai thác trái phép, 31 thuyền viên của hai con tàu trên đã bị lực lượng chức năng Úc bắt giữ ngay khi nhổ neo quay về. May mắn hơn ông T, các thuyền viên trên không những không bị phạt tù, mà còn được lực lượng chức năng Úc cho phép sử dụng một con tàu, để làm phương tiện trở về nước.
 

“Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu, xem xét bổ sung hải sâm vào danh mục các loài hải sản cấm (hoặc hạn chế) khai thác để lực lượng chức năng có cơ sở kiểm soát, xử lý việc khai thác, vận chuyển và buôn bán loại hải sản này”,
Ông Phùng Đình Toàn- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản

Cần chế tài xử lý mạnh

Theo Chi cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có 10 chiếc tàu cùng 119 lao động hành nghề lặn của ngư dân Quảng Ngãi bị lực lượng chức năng các nước Úc, Papua New Guinea, Palau, Philippin bắt giữ, do xâm phạm vùng biển của họ.

Ông Phùng Đình Toàn-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, sở dĩ ngư dân Quảng Ngãi mạo hiểm khai thác xa như thế là vì, vùng biển các nước trên có trữ lượng hải sâm rất lớn, cộng với việc được chính quyền nước sở tại đối xử nhân đạo sau khi bị bắt nên họ chủ quan. Hơn nữa, với lý do “tàu là của chủ nậu đầu tư, nếu rủi ro bị bắt, anh em đi bạn như mình chỉ mất ít vốn, chứ không phải ngồi tù” như lời ngư dân Phạm A, xã Bình Châu thổ lộ.

 Trong khi đó, theo tinh thần Nghị định 103 của Chính phủ, những ngư dân xâm phạm vùng biển các nước sẽ bị lực lượng chức năng phạt tiền từ 50- 70 triệu đồng sau khi về nước. Theo Chi cục Thủy sản, số tiền trên quá nhỏ so với con số lợi nhuận mà hải sâm mang lại, nên nhiều ngư dân vẫn bất chấp, cố tình vi phạm. Do đó, để tăng sức răn đe, UBND tỉnh quyết định sẽ thu hồi giấy phép khai thác có thời hạn; đồng thời không thực hiện chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 của Chính phủ đối với những tàu xâm phạm vùng biển các nước.

Để chấn chỉnh tình trạng này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp khai thác thủy sản cho ngư dân, sắp tới Chi cục Thủy sản cũng sẽ tham mưu, đề nghị UBND tỉnh xem xét ban hành chế tài xử lý mạnh đối với những chủ tàu cố tình xâm phạm vùng biển các nước nhằm đảm bảo an toàn và công bằng trong hoạt động khai thác thủy hải sản của ngư dân các nước.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.