"Vàng trắng" thất sủng

10:07, 02/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cao su được ví như “vàng trắng” và một thời được xem là cây làm giàu của nông dân. Tuy nhiên, trước tình cảnh cao su rớt giá trong thời gian dài đã khiến cho nhiều hộ trồng cao su ở Bình Sơn rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, còn doanh nghiệp thì lao đao.


Chật vật với cao su

Cao su đang vào mùa cho mủ, thế nhưng, trên những cánh rừng cao su ở Bình Sơn lại thưa hẳn bóng người. Nhiều rừng cao su từ lâu không được chăm sóc nên cây dại mọc um tùm. Ông Bùi Ngọc Hoa, ở xã Bình Khương, dẫn chúng tôi đi thăm vườn cao su rộng 12 sào được trồng trên đất nhà mình xót xa nói, chừng ấy đất nếu trồng keo xen mì thì đến nay đã kiếm vài trăm triệu đồng.

“Có chủ trương giao đất để chuyển đổi trồng cao su, tôi tiên phong thực hiện. Vậy mà sau 15 năm trồng, giờ cây cao su chẳng đem lại lợi nhuận. Rừng cao su giống như rừng bỏ hoang, chẳng ai chăm sóc, chẳng ai lấy mủ. Trong khi “tấc đất, tấc vàng” nên thật xót xa!”.

 

Nhiều diện tích cao su không được chăm sóc, cũng không thu hoạch mủ.
Nhiều diện tích cao su không được chăm sóc, cũng không thu hoạch mủ.


Năm 1999, cây cao su được trồng tại một số xã ở huyện Bình Sơn, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. UBND tỉnh thống nhất chỉ hỗ trợ tài sản trên đất, không bồi thường về đất và được người dân đồng ý, tự nguyện nhận tiền và giao lại đất cho Công ty TNHH MTV cao su Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn xảy ra nhiều tranh chấp.
 

 "Trong 2 năm qua, giá cao su liên tục tụt giảm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn chung của ngành cao su cả nước và thế giới. Do đó, giải pháp duy nhất trong thời gian này là tiết giảm chi phí hoạt động, đầu tư. Mặc dù vậy, Công ty vẫn cố gắng trả lương và chi trả các chế độ về bảo hiểm cho 200 công nhân đang làm việc cho Công ty".
Ông NGUYỄN HÙNG - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi.

Cùng với cao su đại điền, ở Bình Sơn cũng có nhiều nông dân đã vay ngân hàng để trồng cây cao su tiểu điền. Ông Nguyễn Thanh Quang, xã Bình Khương, cho biết: "Cách đây 15 năm, nghe nói cao su là cây công nghiệp hiệu quả kinh tế cao nên tôi tham gia trồng.

Cứ nghĩ 14 sào cao su sẽ giúp mình có thu nhập khá hơn. Ai ngờ sau thiệt hại do cơn bão năm 2009 gây ra, thì cao su lại rớt giá. Đến nay, nhiều hộ vẫn còn nợ ngân hàng vì vay tiền trồng cao su”.

Mủ cao su liên tục rớt giá từ 50 nghìn đồng xuống 30 nghìn đồng rồi 10 nghìn đồng/kg mủ đông khiến người trồng cao su rơi vào cảnh khó khăn, bởi tiền thu vào không đủ trả chi phí phân bón, thuê nhân công. Không ít hộ dân buộc phải chặt bỏ rừng cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Thực tế cho thấy, ở Bình Khương có khoảng 40 hộ tham gia trồng cao su tiểu điền, với trên 50ha thì đến nay đã có khoảng 10 hộ phá cao su để chuyển sang trồng keo, mì. Theo tính toán của người dân, so với cao su, cây keo mang lại hiệu quả hơn nhiều.

Giá bán sụt giảm khiến doanh nghiệp cao su cắt giảm đồng loạt chi phí đầu tư. Điều này khiến đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất là công nhân khi thu nhập giảm mạnh. Anh Phan Thanh Dũng, xã Bình Khương, cho biết: “Gia đình tôi có 14ha đất giao cho Công ty Cao su và nhận chăm sóc diện tích này. Lúc cao su được giá thì mỗi tháng cũng kiếm được 5 – 6 triệu đồng/lao động. Còn bây giờ với giá cao su thấp thì thu nhập chẳng còn được bao nhiêu”.

Cần sớm có giải pháp

Ông Lý Văn Hoàng – Chủ tịch UBND xã Bình Khương cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, Bình Khương đã giao 336ha đất cho Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi. Theo đó, mọi thỏa thuận về hỗ trợ hoa màu, lợi nhuận cũng đã được tính toán. Tuy nhiên, cao su gần đến mùa thu hoạch thì trận bão 2009 đã làm ngã đổ. Lợi dụng tình hình này, nhiều người dân đã lấn chiếm đất để trồng keo, mì dẫn đến tranh chấp với Công ty Cao su.

 Từ đó đến nay, có nhiều diện tích cao su không được đầu tư, chăm sóc. Có những hộ dân lấn chiếm đất trồng keo, mì. Còn những hộ chấp hành tốt chủ trương thì lại chịu thiệt, vì nhiều diện tích trồng cao su bị bỏ hoang, gây lãng phí đất. Trong khi đó, người dân lại không có đất sản xuất. “Địa phương đề nghị UBND tỉnh cần có quyết định rõ ràng. Nếu đất đã giao cho Công ty Cao su quản lý thì Công ty phải đầu tư một cách bài bản. Còn nếu xét thấy tình hình cây cao su không có lợi thì nên giao lại đất cho dân để họ sản xuất”, ông Hùng nói.
 

Bài, ảnh: HỒNG HOA




 


.