Phát huy thế mạnh trồng rừng

06:07, 24/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ sáp nhập từ 5 HTX quy mô thôn thành HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thọ Trung (Tịnh Thọ - Sơn Tịnh) đã quy tụ được nguồn lực về một đầu mối để quản lý, phát triển hiệu quả hơn. Toàn HTX có 2.400 thành viên, với tổng giá trị tài sản hơn 11 tỷ đồng. HTX nằm ở vùng bán sơn địa nên nhiều năm qua đã tập trung phát huy được thế mạnh về trồng rừng.

TIN LIÊN QUAN

Từ trồng rừng tự phát...

Ngoài diện tích đã quy hoạch vào Khu công nghiệp VSIP, xã Tịnh Thọ còn khoảng 1.100ha đất lâm nghiệp. Trong thập niên 80 - 90 người dân ở đây chưa quan tâm đến trồng rừng, chỉ có một số hộ trồng rừng diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu là trồng bạch đàn để lấy củi và gỗ dân dụng.

Từ sau năm 2000 và nhất là trong 5 năm gần đây, cây keo thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, nên năng suất đạt khá. Thị trường gỗ cũng ngày càng sôi động, giá gỗ nguyên liệu ngày càng tăng, nên thu hút được đông đảo người dân trong xã tham gia trồng rừng, tạo ra nguồn thu cho bà con.

 

 Mô hình trồng rừng tỉa thưa tại hộ ông Nguyễn Văn Trình thôn 1, xã Thọ Trung (Sơn Tịnh).
Mô hình trồng rừng tỉa thưa tại hộ ông Nguyễn Văn Trình thôn 1, xã Thọ Trung (Sơn Tịnh).


Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều tồn tại như, trình độ canh tác rừng của các hộ dân còn hạn chế, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mật độ rừng trồng quá dày, cây giống mua trôi nổi tại nhiều nơi chưa đạt chất lượng. Ngoài ra, do thời gian thu hoạch ngắn (từ 3-4 năm), nên năng suất thấp và chất lượng gỗ chưa đạt yêu cầu. Phần lớn sản phẩm đều bán qua thương lái, thường xuyên bị ép giá; chưa thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững theo yêu cầu...

...đến hợp tác quốc tế để phát triển rừng  

 Trước tình hình đó, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thọ Trung đã được Liên minh HTX tỉnh quan tâm hỗ trợ, chọn làm mô hình điểm tham gia Dự án phát triển rừng bền vững và chứng chỉ rừng do cơ quan nông nghiệp và phát triển rừng Phần Lan tài trợ.

Trong 2 năm thực hiện (2014-2015), Dự án đã mở nhiều khóa tập huấn nâng cao nhận thức cho xã viên; tổ chức đi tham quan thực tế một số mô hình phát triển rừng bền vững ở Huế, Bình Định, Quảng Trị và cả nước ngoài như Lào, Thái Lan; đồng thời tổ chức các hội thảo khoa học xúc tiến thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng PEFC cho các nhóm hộ theo mô hình HTX. Qua đó, đã nâng cao được nhận thức của cán bộ và xã viên HTX về trồng, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cùng với tầm quan trọng về ý nghĩa kinh tế- xã hội và môi trường của rừng.

Từ việc tham gia Dự án, HTX đã đầu tư xây dựng được vườn ươm đạt chuẩn, với diện tích rộng 2.500m2. Trong năm 2015, HTX đã sản xuất hơn 150.000 cây giống chất lượng, bán với giá 600 đồng/cây (thấp hơn giá thị trường 200 đồng/cây), đáp ứng nhu cầu trồng rừng của các xã viên trong và ngoài xã.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Thọ Trung cho biết: Mô hình này thực hiện thành công sẽ được nhân rộng trong phạm vi toàn HTX. Cũng theo ông Hoàng, nhờ chuyển đổi cây trồng từ diện tích điều trái ít, kém hiệu quả sang trồng 24ha keo lai từ năm 2007, đến năm 2013 HTX đã khai thác được 2.415 tấn gỗ nguyên liệu, bán được hơn 1,9 tỷ đồng.

Tiếp đó, HTX đã trồng được 60ha rừng, bình quân mỗi năm thu hoạch 10ha, đạt doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm, đem lại nguồn thu đáng kể cho xã viên. "Phát triển dịch vụ kinh doanh rừng bền vững là thế mạnh và hướng đi quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nên HTX sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, giống, kỹ thuật và đầu ra để giúp xã viên phát triển trồng rừng một cách bài bản hơn trong thời gian tới", ông Hoàng nói.   


Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM


 


.