Những người say biển cả

05:07, 20/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề đánh bắt xa bờ vất vả thường chỉ dành cho thanh niên sức dài, vai rộng. Ấy vậy mà vẫn có những lão ngư dù đã bước qua ngưỡng 60, vẫn hăng say lèo lái những con tàu bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Hay như thầy giáo trẻ Nguyễn Trung Hậu ở tận vùng cao Sơn Tây vừa có những trải nghiệm về nỗi gian nan, vất vả, hiểm nguy trên hải trình Hoàng Sa của ngư dân.

TIN LIÊN QUAN

"U60" đi biển

Đã bước sang tuổi 67, nhưng lão ngư Đỗ Giàu vẫn là một thuyền trưởng nổi tiếng dày dạn của làng chài xóm Câu, xã Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi). Chìa đôi bàn tay thô ráp, chai sạn và chi chít những dấu hằn của sợi cước, người đàn ông gắn bó gần cả cuộc đời với biển nhưng vẫn chưa chịu ngơi nghỉ này, hóm hỉnh: “Thường thì nghề biển chỉ dành cho những người dưới 60. Còn tôi, đã 60 tuổi cộng 7 rồi mà vẫn lênh đênh mãi, vì không nỡ xa biển, xa nghề”.

 

Thầy giáo Nguyễn Trung Hậu (thứ tư từ trái sang) cùng các ngư dân tàu cá QNg90479 TS từ Hoàng Sa trở về.
Thầy giáo Nguyễn Trung Hậu (thứ tư từ trái sang) cùng các ngư dân tàu cá QNg90479 TS từ Hoàng Sa trở về. Ảnh: Thanh Nhị

Ông Giàu bảo rằng, mình đi biển vì say biển, yêu biển quả không ngoa. Bởi lẽ, con cái ông đều đã trưởng thành và yên bề gia thất. Tiền bạc tích cóp sau cả nghìn chuyến biển cũng đủ để ông và vợ dưỡng già. Vậy mà, về đất liền chưa kịp ấm chỗ, người dân xóm Câu lại thấy ông tất tả chuẩn bị ngư lưới cụ để đi biển cùng 7 – 8 bạn thuyền. Kể về biển giả, đôi mắt và hàng chân mày đã chuyển sang màu bạc của ông Giàu thỉnh thoảng lại nhướng lên đầy thích thú.

Cũng nặng tình với biển nên dù ở độ tuổi của ông, hầu hết ngư dân đều đã lui vào bờ, nhưng lão ngư Võ Văn Tình, 61 tuổi, ngụ ở làng chài Kỳ Đông, thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) vẫn vươn khơi, bám biển. Đối mặt với sóng gió biển khơi với người trẻ đã là truân chuyên, vất vả, vậy mà ông Tình vẫn cười hề hà bảo: “Tuổi cao thì cao, chứ nay thuyền to, máy lớn nên cứ lướt sóng êm ru, sợ gì nhọc nhằn!”.

"Ngành giáo dục Sơn Tây  biểu dương tinh thần yêu biển đảo, không từ nguy nan lên tàu cùng ngư dân đi đánh cá ở Hoàng Sa của thầy giáo Nguyễn Trung Hậu. Những câu chuyện ở Hoàng Sa mà thầy Hậu ghi lại sẽ rất thiết thực trong giáo dục học sinh về tình yêu biển đảo quê hương".
Ông Lê Hoài Thạnh- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây.

Vừa trở về nhà sau chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa kéo dài 22 ngày đêm, lão ngư Võ Văn Tình lại cặm cụi đan lưới để chuẩn bị cho phiên biển tiếp theo. “Lên chức ông rồi, ai cũng bảo tôi nên ở nhà nghỉ ngơi, sum vầy với con cháu. Nhưng ở nhà được vài hôm lại nôn nao nhớ biển và muốn ra khơi cùng con”, ông Tình chia sẻ.

Đi biển từ năm 16 tuổi và là một trong những ngư dân đầu tiên sắm được tàu riêng ở xã Tịnh Kỳ, nên ông Tình thuộc biển còn hơn đất liền. Những kinh nghiệm về vị trí luồng cá, về con nước, về thời điểm thả, kéo lưới... mà ông Tình có được từ những năm tháng lênh đênh trên biển đã trở thành những kiến thức quý báu truyền lại cho thế hệ sau.

“Cha tôi có thể nhìn cách cá chuồn bay để xác định được luồng cá ít hay nhiều. Hoặc thậm chí có thể nhìn màu trời để đoán định cường độ cơn bão. Bởi vậy,  cha tôi trở thành thủ lĩnh kinh nghiệm của tôi và các anh em trên tàu”, thuyền trưởng Võ  Văn Giang, con lão ngư Tình tâm sự.

Thầy giáo trẻ đi biển Hoàng Sa

Phiên biển không tròn. Ước vọng "cá nặng lưới đầy "chưa thực hiện được, vì bị tàu Trung Quốc đâm chìm tàu. Thế nhưng, trải nghiệm ấy hun đúc thêm tình yêu biển đảo trong trái tim thầy giáo trẻ Nguyễn Trung Hậu quê ở thôn 2, xã Bình Hòa (Bình Sơn). Để mai này, trên bục giảng, thầy sẽ truyền lại cho học trò về biển Hoàng Sa bằng những câu chuyện rất thực...

Năm nay 30 tuổi, thầy Hậu là giáo viên Trường THSC Sơn Dung (Sơn Tây). Đầu năm 2015, thầy cưới cô giáo dạy cùng trường. Cô xuất thân trong gia đình ngư dân bao đời bám biển. Vợ thầy Hậu là con gái của ngư dân Võ Văn Lựu, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 90479 TS, vừa bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa trưa ngày 9.7.  

Là một trong năm ngư dân trên tàu cá QNg 90479 TS, trao đổi ngắn về cảm xúc phiên biển không trọn vẹn với 5 ngư dân diễn ra chóng vánh trên bến cảng, thầy Hậu nói rằng:  "Tôi là giáo viên. Tôi đi biển vì muốn bài giảng có câu chuyện thực tế ở Hoàng Sa"...

 

Lão ngư Võ Văn Tình dù đã 61 tuổi, nhưng vẫn bám ngư trường Hoàng Sa.                   Ảnh: Ý THU
Lão ngư Võ Văn Tình dù đã 61 tuổi, nhưng vẫn bám ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: Ý THU


 Cuộc gặp thứ hai với thầy Hậu diễn ra trên đất Bình Hòa, nơi cha mẹ thầy sinh sống. Thầy kể: "Lúc trực diện với những cú đâm va của tàu Trung Quốc, không hiểu vì sao trong tôi không một chút lo sợ. Bởi ở gần nơi tàu chúng tôi bị bao vây, có rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân Bình Sơn, Lý Sơn.

Nếu họ biết chúng tôi gặp nguy hiểm, bằng mọi giá họ sẽ đến cứu". Và theo thầy Hậu, cũng chính sự bình tĩnh ấy mà mọi cử chỉ, hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc; rồi những lăn xả cứu người của các ngư dân trên tàu bạn; giọt nước mắt trùng phùng cùng sự phẫn nộ... đều đã tạc vào tâm khảm của thầy giáo trẻ.

Những tưởng thầy giáo trẻ sau một lần nguy nan sẽ không có ý định ra Hoàng Sa nữa, nhưng thầy Hậu bảo rằng: "Hoàng Sa gần lắm! Từ Tịnh Kỳ đi chỉ mất một ngày một đêm là đến nơi. Ở Hoàng Sa, phong cảnh đẹp, cá, tôm, ốc, cua quây tụ nhiều. Tàu cá của ngư dân mình ở đó khá đông. Giá đừng bị vây đuổi, đâm tàu, thì phiên biển này tàu chúng tôi đánh được nhiều hải sản". Cuối câu chuyện, thầy "chốt" lại: "Tôi sẽ tiếp tục đi biển Hoàng Sa khi sắp xếp được thời gian. Cha ông ta đi được, lớp cháu con chúng ta cũng đi được!".

Một người thầy thường chỉ quen bảng đen, phấn trắng. Vậy mà khát vọng đi biển Hoàng Sa của thầy Hậu lại kiên quyết, can trường không khác nào ngư dân thực thụ. Lúc nguy nan sinh tử, thầy Huệ vẫn dùng điện thoại ghi hình ảnh phía Trung Quốc ngang ngược tấn công tàu cá ngư dân. Đó chính là những câu chuyện sinh động cho bài giảng của thầy trước học trò thân thương trên đất ngàn cau Sơn Tây...


THANH NHỊ-ĐÔNG YÊN
 


.