Nghề xưa cối đá

02:07, 22/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua bàn tay khéo léo của người thợ, những khối đá vô tri, vô giác, những hòn đá mồ côi đã trở thành những chiếc cối để phục vụ trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Nghề xưa cối đá ở xóm Khê Thượng, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) một thời nổi tiếng gần xa. Ngày nay, dẫu cuộc sống hiện đại, nhưng nhiều người vẫn gắn bó với nghề làm cối đá.

Gắn bó với nghề

Nằm cạnh Quốc lộ 24B, cơ sở làm cối đá Tuấn Thống, xóm Khê Thượng không tấp nập người mua, kẻ bán như trước đây, song những người thợ vẫn miệt mài lao động. Tiếng búa, tiếng đục đá chan chát. Xung quanh là những chiếc cối xay bột, cối giã gạo tròn đều tăm tắp, những viên đá làm chân cột nhà phẳng lì. Theo người dân Khê Thượng, nghề này có cách đây hàng trăm năm. Lớp người trước truyền nghề cho lớp người sau, cứ thế giữ nghề từ đời này qua đời khác.

 

 Những người thợ ở cơ sở cối đá Tấn Thống cần mẫn đục cối đá.
Những người thợ ở cơ sở cối đá Tấn Thống cần mẫn đục cối đá.

Dù đã 63 tuổi, nhưng ông Đoàn Tuấn Thống vẫn gắn bó với nghề đục cối xay, cối đá. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn làm việc thoăn thoắt. “Bình quân mỗi tháng cơ sở của tôi làm vài chục bộ cối xay. Để làm cối xay, người thợ phải lựa những hòn đá đen mồ côi, vì loại này có độ dẻo, khi đục làm cối không bị vỡ”, ông Thống cho biết.

Những năm 80 của thế kỷ trước, xóm Khê Thượng khá nổi tiếng với nghề làm cối đá. Khi đó, phần lớn người dân trong làng sống bằng nghề làm cối đá, cối xay. Để làm thành phẩm một chiếc cối đá lớn, người thợ cần thời gian 4 - 5 ngày, còn chiếc cối nhỏ cũng mất 2 - 3 ngày. Tính thẩm mỹ của chiếc cối phụ thuộc vào bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ của người thợ. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, nhu cầu sử dụng các vật dụng được chế tác từ đá thiên nhiên không nhiều như trước, nhưng nhiều người vẫn giữ lấy nghề, bởi với họ đó là đam mê. Nhiều người vẫn thích sử dụng cối đá của ngày xưa như để giữ gìn nếp sống mộc mạc, dân dã chốn làng quê.

Nghề cơ cực…

Tranh thủ lúc nghỉ tay, ông Nguyễn Tấn tâm sự: "Thời nào cũng thế, để làm cối đá vẫn là tay búa, tay đục, nghề này vất vả lắm". Ông Tấn cho biết, hằng tháng cơ sở của ông xuất đi vài chục bộ cối đá các loại. Trung bình mỗi cối xay có giá từ 200 - 500 nghìn đồng. Nói rồi, ông Tấn “khoe” đôi bàn tay chai sần, vì năm tháng cầm búa, khuân đá, còn đôi chân của ông chi chít những vết sẹo. “Cái nghề này coi vậy mà tai hại lắm. Anh em tụi tôi nhiều năm làm nghề đều bị hoa mắt, ù tai. Sắt đập vô đá thì còn có âm thanh nào chát chúa hơn. Làm nghề thì phải chấp nhận, riết rồi quen", ông Tấn bộc bạch.

Gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, ông Đỗ Thanh Hải (45 tuổi), có thâm niên 20 năm trong nghề, chia sẻ: "Mỗi ngày đục được 4 bánh cối đá, trừ chi phí cũng được 160 nghìn đồng tiền công. Ngồi đục đá hết ngày này sang ngày khác dễ sinh bệnh đau khớp, rồi vụn đá văng vào mắt, rồi hít bụi đá vào phổi... Kiếm được đồng bạc không đơn giản chút nào".

Đối với những người thợ làm cối đá, một nỗi trăn trở hiện nay là, tìm kiếm người để truyền nghề. Ông Đoàn Tuấn Thống cho biết, bao nhiêu năm nay vẫn chưa có người nối nghề truyền thống. Ông Thống bảo, nghề tuy có vất vả nhưng mà chân chính, nếu có tâm huyết với nghề thì làm không hết việc, khách hàng sẽ tự tìm đến, bởi nay có rất nhiều người có nhu cầu mua đồ đá về làm kỷ niệm.

Chúng tôi biết, phía sau những đồng tiền có được của những người thợ làm cối đá là mồ hôi, nước mắt, nhưng với họ, giữ được nghề xưa, mưu sinh bằng chính sức lực của mình đã là niềm vui.

  Bài, ảnh: Bá Sơn

 

.