Nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len: Phát huy lợi thế cho miền núi

10:06, 08/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len, rất nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương miền núi phát triển.

Hiệu quả từ những công trình

Tuyến đường nối hai xã Trà Tân với Trà Bùi (Trà Bồng) nhiều năm trước đây nắng bụi, mưa bùn, dù hai đầu đã được bê tông. Nguyên nhân là do chưa có kinh phí để thi công đoạn còn lại, bởi nguồn vốn để đầu tư tuyến đường khá lớn, trong khi ngân sách huyện, xã không thể đáp ứng. Năm 2013, từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len và ngân sách huyện, huyện Trà Bồng đã đầu tư công trình nối tiếp đường bê tông xi măng từ xã Trà Tân đi Trà Bùi với tổng vốn đầu tư 2 tỷ đồng.

Ông Hồ Văn Xuân, xã Trà Bùi cho biết, trước đây đường đất lầy lội nên việc đi lại rất khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản không thuận lợi nên giá thu mua của thương lái thấp. “Từ ngày con đường được bê tông kiên cố bà con đi lại thuận lợi, không còn cảnh té ngã do đường trơn trượt. Hàng hóa của bà con cũng bán với giá cao hơn”, ông Xuân nói.
 

 

uyến đường giao thông qua thôn 2, xã Trà Giang được đầu tư bê tông kiên cố từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len.
uyến đường giao thông qua thôn 2, xã Trà Giang được đầu tư bê tông kiên cố từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len.

Hay tại xã Trà Giang, nhiều tuyến đường lâu nay vẫn là đường đất, ngoại trừ tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 622 vào trung tâm xã được nhựa hóa. Từ nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ Ai Len và vốn ngân sách, huyện Trà Bồng đã đầu tư bê tông kiên cố nhiều tuyến đường, giúp người dân xã Trà Giang đi lại thuận tiện.

Xã Sơn Tân (Sơn Tây) lâu nay câu chuyện nước sạch sinh hoạt luôn là đề tài nóng tại các diễn đàn, hội họp của xã. Nhất là khu vực trung tâm xã, khi mà hơn 500 con người nơi đây phải “chạy” nước mỗi ngày. Trước bức xúc của người dân, huyện Sơn Tây đã đầu tư công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ Ai Len.

Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2014 đã giải tỏa bức xúc của người dân. Anh Bùi Vỹ, người dân được hưởng lợi từ dự án cho biết, từ khi công trình nước sạch đưa vào sử dụng đã xóa bỏ cảnh người dân phải đi đến các hố nước múc từng can về sử dụng.

Động lực cho miền núi

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2015, Quảng Ngãi được tiếp nhận và sử dụng 31,5 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len để triển khai xây dựng 22 công trình hạ tầng, với quy mô nhỏ tại các xã thuộc 6 huyện miền núi của tỉnh. Trong đó có 14 công trình giao thông, 4 công trình điện, 2 công trình nước sinh hoạt, 1 công trình thủy lợi và 1 nhà bán trú.

Hầu hết các công trình trên sau khi hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng đã mang lại  hiệu quả tích cực. Theo đó, có trên 4km đường giao thông nông thôn đã được bê tông theo đúng tiêu chuẩn về giao thông của Chương trình nông thôn mới, trên 200 hộ gia đình đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ các công trình cấp nước sinh hoạt, gần 200 hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, 2ha đất sản xuất nông nghiệp được tưới bằng công trình kiên cố và 5 phòng bán trú cho học sinh được xây dựng.

Theo đánh giá của đại diện đoàn đánh giá độc lập của Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam thực hiện trong đợt kiểm tra thực hiện vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len trên địa bàn tỉnh, thì các dự án hạ tầng quy mô nhỏ đã góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đi lại của nhân dân các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và vùng núi của tỉnh, tăng hiệu quả trong quá trình khai thác, sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc trong vùng phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo...  

Ngoài ra, tính hiệu quả của các dự án còn thể hiện qua việc tất cả 22 công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn viện trợ của Chính phủ Ai Len đều do nhân dân đề xuất tại các cuộc họp thôn và khi đưa vào sử dụng đúng theo yêu cầu, đạt chất lượng cao và đáp ứng đúng mong muốn của người dân. Trong số 22 công trình nói trên thì có 11 công trình do UBND xã làm chủ đầu tư, còn lại do cấp huyện làm chủ đầu tư.

Theo ông Đinh Quang Ven- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây. “Người dân tham gia đề xuất và giám sát công tác đầu tư các dự án rất chặt chẽ. Các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Ai Len đã và đang mang lại động lực rất lớn cho miền núi phát triển”, ông Ven nói.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

T

.