Khởi sắc kinh tế biển

10:06, 30/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư hạ tầng, tạo tiền đề phát triển kinh tế biển đảo nhanh, mạnh, hiệu quả và bền vững.

Đột phá công nghiệp ven biển

Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực ven biển, đảo đạt 131 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 93% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Góp sức vào thành quả to lớn này, phải kể đến Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất. Với những điều kiện thuận lợi về địa hình, giao thông, cộng với sự phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, KKT Dung Quất đã trở thành điểm dừng chân của hàng loạt nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Tàu vỏ thép của ngư dân tham gia đánh bắt trên biển.                                                                                                                                                                                          ảnh: T.L
Tàu vỏ thép của ngư dân tham gia đánh bắt trên biển. ảnh: T.L


Giai đoạn 2011 – 2015, đã có 51 dự án, với tổng vốn đăng ký 3 tỷ USD, được chấp thuận đầu tư vào KKT Dung Quất, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động. Riêng “trái tim” của KKT Dung Quất là Nhà máy Lọc dầu đã đóng góp gần 96 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, chiếm gần 88% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Đến năm 2015, giá trị gia tăng kinh tế biển và các huyện ven biển, đảo đạt trên 37 nghìn tỷ đồng, đóng góp gần 90% GRDP toàn tỉnh. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt gần 5,4%/năm; xuất khẩu các ngành kinh tế biển đạt 143 triệu USD, chiếm 37,3% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Riêng lĩnh vực khai thác thủy sản đạt sản lượng trên 161 nghìn tấn. Toàn tỉnh đã xây dựng 3 khu neo đậu tránh trú bão, 3 cảng cá, 3 khu du lịch và điểm du lịch biển.

Cùng với KKT Dung Quất, Khu Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị VSIP Quảng Ngãi cũng đã thu hút được 9 dự án, với tổng vốn đăng ký 131 triệu USD. Hiện nay, đã có 4 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 2.400 lao động.

Để tiếp sức và tiếp tục đánh thức tiềm năng KKT Dung Quất và các khu, cụm công nghiệp ven biển của tỉnh, trong 5 năm qua, trung ương và tỉnh đã đầu tư 2.300 tỷ đồng để nâng cấp và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, tạo điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Công nghiệp ven biển phát triển, hoạt động vận tải biển cũng khởi sắc. Lượng tàu thuyền, hàng hóa, hành khách thông qua các cảng biển ngày càng nhiều, đặc biệt là cảng Dung Quất và Sa Kỳ. Năm 2015, hàng hóa thông qua các cảng đạt trên 17 triệu tấn, tăng 27% so với năm 2010. Nhiều dịch vụ như sửa chữa, đóng mới tàu biển; vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách... vì thế cũng hình thành và phát triển sôi động.

Song, theo đánh giá của các chuyên gia thì, công nghiệp ven biển tỉnh Quảng Ngãi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là các lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ biển, công nghiệp đóng sửa tàu, công nghiệp phụ trợ...  “Tỉnh cần có giải pháp thực thi hiệu quả chính sách thu hút đầu tư; đồng thời đề xuất các bộ, ngành trung ương cho phép xuất, nhập máy móc thiết bị, nguyên liệu, hàng hóa, nhằm tăng hiệu quả sử dụng cảng biển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”, TS.Trần Tùng Lâm - Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tài chính- Kế toán đề xuất.

Phát triển du lịch

Với đường bờ biển dài khoảng 130km, Quảng Ngãi được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển. Hai khu vực có điều kiện lý tưởng nhất để khai thác và phát triển ngành “công nghiệp không khói” là huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu (Bình Sơn). Bởi, ngoài hệ thống danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, thì sự có mặt của con tàu cổ ở Bình Châu; vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo của hệ thống vách đá nham thạch kỳ vĩ, cộng với thế giới thủy sinh được ví “như những cánh rừng đa dạng, muôn màu sắc và đẹp lung linh” ở huyện đảo Lý Sơn sẽ là điểm đến của những du khách thích mạo hiểu, ưa khám phá.

Khu đô thị vệ tinh Sa Huỳnh (Đức Phổ) nằm gần cửa biển nên có tàu thuyền ra vào tấp nập.                  ảnh: Ý Thu
Khu đô thị vệ tinh Sa Huỳnh (Đức Phổ) nằm gần cửa biển nên có tàu thuyền ra vào tấp nập. ảnh: Ý Thu


PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: “Hiếm có huyện đảo nào còn giữ được nét đẹp hoang sơ như Lý Sơn. Để thu hút du khách bằng nét hoang sơ này, huyện Lý Sơn cần được đầu tư đồng bộ để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy và gìn giữ các giá trị văn hóa đặc trưng”.

Tiềm năng và sức hút của ngành "công nghiệp xanh” thể hiện qua 14 dự án, với tổng vốn gần 2.500 tỷ đầu tư vào dịch vụ du lịch biển, đảo trong giai đoạn 2010 – 2015. Và hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Vingroup, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn... đã và đang đầu tư vào tỉnh, mở ra cơ hội phát triển ngành du lịch cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế ở các địa phương ven biển.

Tuy nhiên, để khai thác và phát triển bền vững ngành công nghiệp này thì ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, tình trạng sạt lở ven biển cũng đang là một thách thức lớn. Theo điều tra của Chi cục Biển và Hải đảo, chỉ trong vòng 40 năm, huyện Lý Sơn đã bị biển xâm thực và mất gần 1km2 đất. Ứng phó với thực trạng này, ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi đề xuất: “Ngoài việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ven biển phù hợp thì cần đẩy mạnh công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo cảnh quan phục vụ du lịch ven biển”.
 

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị khu vực ven biển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: Sẽ tập trung tăng cường hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển; lựa chọn các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu ở từng đô thị để có kế hoạch huy động, bố trí nguồn lực; ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị TP. Quảng Ngãi, xây dựng thị xã Đức Phổ trực thuộc tỉnh, Vạn Tường đạt đô thị loại IV...

Mở mang đô thị biển

Xuôi theo tuyến đường Mỹ Trà – Mỹ Khê, càng tiến về phía biển, những dãy biệt thự khang trang càng hiện ra san sát. Tiếp tục đi về phía đông bắc là khu vực neo trú tàu thuyền Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa với hàng trăm tàu công suất lớn ra vào tấp nập... Sáp nhập thêm 5 xã ven biển Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Nghĩa Phú, Nghĩa An của hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa đã giúp TP. Quảng Ngãi khoác lên mình chiếc áo mới, mở rộng về hướng biển và lấy xã Tịnh Khê làm trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phía đông bắc của thành phố.

Không chỉ riêng TP. Quảng Ngãi lựa chọn xã ven biển làm đô thị vệ tinh, đô thị Đức Phổ cũng đang dần phát triển đô thị vệ tinh Sa Huỳnh trở thành đô thị giữ vai trò hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam huyện. Sau khi công bố quy hoạch, Sa Huỳnh có nhiều bước phát triển vượt bậc với sự hình thành khu dân cư (KDC) mới, chỉnh trang KDC cũ và các khu quy hoạch mới phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại KDC mới Làng Cá, dù chỉ mới hình thành gần hai năm, nhưng KDC có diện tích quy hoạch 120ha này đã trở thành một ”phố biển” thu nhỏ của Đức Phổ khi toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, cấp thoát nước, công viên cây xanh... đều được đầu tư đồng bộ. Nhà cao tầng mọc lên san sát.

Nói về thế mạnh khi phát triển đô thị ở khu vực ven biển, ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết:  "Lợi thế khi phát triển đô thị về phía biển, sẽ giúp vực dậy dịch vụ hậu cần nghề cá tại các địa phương ven biển của huyện, đồng thời thu hút các nhà đầu tư vào hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ cho nghề cá và tận dụng các tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch biển".

Cảng nước sâu Dung Quất là điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hải. Trong ảnh: Tàu công suất lớn cập cảng Doosan Vina tại KKT Dung Quất.                                                                                          ảnh: TL
Cảng nước sâu Dung Quất là điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hải. Trong ảnh: Tàu công suất lớn cập cảng Doosan Vina tại KKT Dung Quất. ảnh: TL


Xác định việc phát triển các đô thị khu vực ven biển sẽ giữ vai trò hạt nhân trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã lập, phê duyệt 2 quy hoạch vùng, 5 quy hoạch chung đô thị, 139 quy hoạch chi tiết các đô thị và huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng các đô thị khu vực ven biển. Nhờ vậy đến nay, TP.Quảng Ngãi đã mở rộng, vươn mình về phía biển. Thị trấn Đức Phổ mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Các đô thị Vạn Tường, Lý Sơn đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa bình quân của các địa phương ven biển, đảo đạt gần 22%, cao hơn mức bình quân toàn tỉnh (17%).

Chắp cánh cho các đô thị ven biển, tỉnh cũng đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch ven biển như Dung Quất - Sa Huỳnh, đường bờ Nam sông Trà Khúc...  để tạo ra sức hút mới cho các đô thị ven biển này.            

 

  M.HOA- Ý.THU


 


.