Doanh nghiệp đối mặt với thách thức khi hội nhập

07:06, 03/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN), nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Vì thế, khi hội nhập kinh tế quốc tế, các DN trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức...

TIN LIÊN QUAN

Cơ hội  và thách thức

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó có 8 FTA đã có hiệu lực là  Hiệp định thương mại tự do ASEAN và 5 hiệp định thương mại giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc,  Nhật Bản, Ấn Độ,  Australia - New Zealand; 2 hiệp định song phương (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Chile).  Có 2 hiệp định đã ký kết, nhưng chưa có hiệu lực là hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc , Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu; 2 hiệp định thương mại thế hệ mới đã kết thúc đàm phán, gồm hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thương hiệu
Thương hiệu "Vua Tỏi" của Công ty Hải đảo Lý Sơn đang nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, từng bước hội nhập thương mại quốc tế.


Những hiệp định ký kết sẽ mở ra cho Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng vận hội mới để hội nhập và phát triển. Khi các hiệp định thương mại có hiệu lực thực thi, Việt Nam và các nước đối tác tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết đã tạo ra cơ hội cạnh tranh hàng hóa. Thị trường trong nước dồi dào, phong phú các sản phẩm ngoại nhập; đồng thời, các hàng hóa của Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang các nước trong khu vực và thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia, khi hội nhập, kinh tế Quảng Ngãi sẽ có cơ hội tăng trưởng. Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa tốt và rẻ hơn. Dòng vốn ngoại đầu tư vào tỉnh sẽ tăng. Các DN Quảng Ngãi có cơ hội mở rộng tiêu thụ sản phẩm đến tất cả các nước đối tác. Thủ tục xuất nhập khẩu bớt rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất hàng hóa ra thị trường thế giới...

Ông Nguyễn An - Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: "Chưa bao giờ DN Quảng Ngãi lại quan tâm đến hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Nhiều DN tự nguyện đăng ký tham gia hội nghị tập huấn về kiến thức hội nhập, học tập nghiêm túc, trao đổi thẳng thắn những khó khăn, vướng mắc, để các chuyên gia kinh tế hỗ trợ, giải đáp". Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Thành Đàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho rằng: "Hội nhập là tất yếu. DN phải là chủ thể chủ động trong vấn đề được cho là sự sống còn của DN. Tuy nhiên, DN cũng rất lúng túng và rất cần nắm thêm những kiến thức, kỹ năng, chính sách, pháp luật để chuẩn bị cho hội nhập sâu, rộng với DN toàn cầu từ những người có kiến thức, có kinh nghiệm chia sẻ thông tin...".

Nhiều lãnh đạo DN trong tỉnh thừa nhận, hội nhập thương mại quốc tế xét cho cùng là cho DN và vì DN. Các cơ quan chức năng của tỉnh không thể làm thay công việc của cộng đồng DN. Biết thế, song với tiềm lực tài chính, nhân lực, nhiều DN chưa thực sự tự tin để sẵn sàng bước vào hội nhập. Hội nhập thành công chỉ đến khi thị trường trong nước ổn định và một môi trường kinh doanh, hệ thống DN tốt. Thế nhưng, hiện tại những "tiêu chí" này của DN tại Quảng Ngãi còn quá thấp, thiếu ổn định.

Tận dụng lợi thế, hạn chế thiệt hại

 Liên tục nhiều năm được xếp hạng là 1 trong 500 DN lớn của cả nước, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã tổ chức các hoạt động hội nhập quốc tế từ hơn 10 năm nay. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, hoạt động xúc tiến thương mại ra thị trường thế giới của Công ty đã được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Ông Võ Thành Đàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết: "Hội nhập có lợi cho thị trường trong nước, nhưng là thách thức quá lớn đối với DN. Để sẵn sàng chủ động hội nhập, Công ty CP Đường đã đầu tư hàng trăm triệu USD để đổi mới công nghệ sản xuất. Mục tiêu là nâng cao chất lượng, hạ giá thành để có thể cạnh tranh với hàng hóa cùng loại nhập khẩu tràn vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, nếu biết tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức, hội nhập sẽ đem lại nhiều thành quả cho DN".

Tại buổi làm việc với các ngành chức năng của tỉnh trong việc hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô nhấn mạnh: "Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng các chương trình, chiến lược hỗ trợ DN thực sự hiệu quả trong giai đoạn hội nhập, đặc biệt là xây dựng thương hiệu. Khi sản phẩm có thương hiệu mới tính đến chuyện hội nhập, giảm thiệt hại cho chính DN khi có cạnh tranh".

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.