Ngành hàng tiêu dùng nhanh hội nhập kinh tế quốc tế: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

08:05, 30/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã thông qua nhằm xóa bỏ hàng rào thuế quan; Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP... Các hiệp định thương mại này mang đến cho doanh nghiệp (DN) cơ hội mở rộng thị trường, đồng thời với đó là mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gia tăng.

Thách thức đặt ra đối với những DN trong tỉnh chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh như bánh kẹo, nước giải khát... Bởi đây là nhóm hàng chịu nhiều áp lực khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Gia tăng mức độ cạnh tranh

"Đối với ngành hàng bánh kẹo, năm 2015, các sản phẩm bánh kẹo từ các DN và cơ sở trong nước chiếm khoảng 80% thị phần trong nước, bánh kẹo nhập khẩu chiếm 20%. Nhưng tại thời điểm này, tỷ lệ đã thay đổi thành 70% - 30%, bởi thị trường bánh kẹo nội địa đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN trong nước với các thương hiệu nước ngoài", ông Nguyễn Tấn Minh - Phó Phòng Thị trường (Nhà máy bánh kẹo Biscafun), cho biết.

Tiếp cận mạnh đến các điểm bán lẻ giúp DN ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng doanh số.
Tiếp cận mạnh đến các điểm bán lẻ giúp DN ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng doanh số.


Lý giải điều này, ông Minh cho hay: “Theo cam kết ATIGA, từ đầu năm 2015, thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng bánh kẹo giảm xuống còn 0%, các sản phẩm từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan... ồ ạt nhập vào trong nước. Trước đây, bánh kẹo nhập khẩu chỉ xuất hiện ở siêu thị và một số cửa hàng lớn, nay đã xâm nhập vào các điểm bán hàng nhỏ, lẻ khắp nơi.

Đây là những sản phẩm nhập khẩu đa dạng cả về mẫu mã và chất lượng, giá không chênh lệch nhiều so với bánh kẹo trong nước. So với DN nước ngoài, DN bánh kẹo trong nước còn thua kém về công nghệ sản xuất, trình độ quản lý; mạng lưới phân phối còn yếu, sản phẩm chưa đa dạng, kiểu dáng, mẫu mã, hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn thấp, chưa nổi trội về các hoạt động marketing...”.

Đối với nhóm hàng thức uống, xét về mặt chất lượng với đặc tính tốt cho sức khỏe, uy tín dịch vụ, các sản phẩm nước giải khát có gas và không gas được sản xuất từ nguồn nước khoáng Thạch Bích có hàm lượng vi khoáng nhẹ và hương liệu tự nhiên nhập khẩu từ Châu Âu của Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích có thể phát triển mạnh ở các thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Hùng - Phó Giám đốc Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích: “Thách thức không nhỏ đối với Thạch Bích hiện nay là thị trường nội địa xuất hiện các sản phẩm nước giải khát giá rẻ của các DN mới, liên tục thay đổi mẫu mã bao bì, kể cả hàng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Một số hệ thống siêu thị trong nước được các tập đoàn Thái Lan mua lại, dự báo hàng Thái Lan sẽ tràn ngập các hệ thống này”.

Nâng chất lượng, mở rộng thị trường

Hiện nay, các sản phẩm bánh kẹo của Biscafun tập trung vào thị trường nội địa như miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc. Trong ba năm qua, Biscafun đẩy mạnh vào thị trường xuất khẩu có khởi sắc như dòng bánh mềm phủ socola đi Nga, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Đông, bánh kem xốp Waly’s, bánh quy, kẹo mềm xuất đi Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc...

“Biscafun xác định, cần nâng cao trình độ quản trị và chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã, nâng cao hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm, phù hợp với văn hóa và bản sắc của từng vùng miền, khu vực để tiếp cận đến thị trường mới. Định hướng chuyển dịch dần sản phẩm mang lại lợi ích cho sức khỏe của người tiêu dùng. Sản phẩm có chất lượng cao cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng”, ông Lê Văn Lập - Phó Giám đốc phụ trách Kinh doanh Biscafun cho biết.

Để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2016, Biscafun đầu tư cải tạo nâng cấp sửa chữa lớn toàn bộ nhà xưởng, trang bị máy móc thiết bị theo hướng hiện đại và tự động hóa cao. Trong năm 2017 - 2018 Biscafun tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp máy móc thiết bị và tư vấn chuyển giao một số công nghệ mới, đầu tư thêm một số dây chuyền thiết bị mới hiện đại hàng đầu thế giới để tăng sản lượng và chất lượng. Biscafun đặt mục tiêu đến năm 2020, sản xuất và tiêu thụ từ 15.000 đến 16.000 tấn bánh kẹo các loại, doanh thu dự kiến trên 1.000 tỷ đồng.

Đối với nước khoáng Thạch Bích, nhà máy đã xây dựng và cải tiến liên tục việc thực hiện chương trình quản lý 5S, chứng chỉ HALAL, tích cực tiếp cận và thực hiện các hệ thống MFCA, HACCP, BSC-KPI, ERP. Đây là giải pháp căn cơ để hội nhập với thế giới. Đồng thời, tích cực tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu. Hiện các sản phẩm của Thạch Bích đã có mặt tại gần 20 quốc gia trên thế giới.

Mục tiêu sắp đến, Thạch Bích sẽ ổn định, phát triển mạnh tại Lào, Campuchia, Myanmar, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu. Cùng với đó là, tích cực mở rộng thêm các nhà phân phối, hệ thống bán lẻ trên toàn quốc để nhanh chóng cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.