Khuyến khích phát triển kinh tế gia trại

08:05, 26/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; trong thời gian đến, huyện Mộ Đức sẽ tập trung khuyến khích, phát triển mô hình kinh tế gia trại để hình thành các vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung, đạt giá trị cao.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả cao

Mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi của ông Võ Sỹ Vàng ở xã Đức Phú, bà Phạm Thị Kim Anh ở thị trấn Mộ Đức, ông Trần Đạt ở xã Đức Lân và mô hình trồng cây ăn quả của ông Trần Minh Hiển, xã Đức Tân... là những mô hình gia trại mang lại hiệu quả cao cho hộ gia đình.

Đến thăm trang trại nuôi heo của bà Phạm Thị Kim Anh, ngoài trang trại nuôi heo theo kiểu công nghiệp, hằng năm xuất bán ra thị trường khoảng 200 con heo thịt, người phụ nữ nhạy bén này còn trồng thêm 4ha keo và xà cừ. Chăn nuôi tập trung kết hợp trồng trọt không chỉ giúp bà Anh có được thu nhập ổn định mà còn giúp bà có thể thoải mái nhân đàn, vì khu vực chăn nuôi của bà Anh nằm cách xa khu dân cư.

Quy hoạch khu vực phát triển gia trại cách xa KDC giúp người chăn nuôi tự tin nhân đàn.
Quy hoạch khu vực phát triển gia trại cách xa KDC giúp người chăn nuôi tự tin nhân đàn.


Cũng phát triển kinh tế gia trại, anh Nguyễn Quang Vinh, thôn Phước Thuận, xã Đức Phú lựa chọn con dê làm vật nuôi chủ lực. Với đặc tính dễ nuôi, sinh sản nhanh, sau 10 năm thả nuôi, anh Vinh đã phát triển được đàn dê gần 100 con. Dê nuôi sau 6 tháng là có thể đạt trọng lượng 20kg, với giá mỗi ký dê hơi dao động từ 150 nghìn - 180 nghìn đồng. Vì vậy, không chỉ mô hình kinh tế gia trại của anh Vinh, mà rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mộ Đức nhờ phát triển nghề nuôi dê mà có được nguồn thu nhập ổn định hằng tháng. Hiện tổng đàn dê trên toàn huyện giữ mức ổn định khoảng 1.500 con, gần bằng tổng đàn trâu trên địa bàn huyện.

Phát huy tối đa tiềm năng sẵn có

Để các mô hình kinh tế trang trại, gia trại phát triển ổn định, UBND huyện và các ngành chức năng hiện đang hoàn chỉnh các thủ tục giao đất sử dụng lâu dài cho các hộ dân đầu tư phát triển kinh tế trang trại theo vùng quy hoạch. Đơn cử như tại vùng quy hoạch xã Đức Phú, hiện địa phương này đã thực hiện xong công tác quy hoạch 25ha phục vụ cho phát triển gia trại. Các khu vực nằm trong quy hoạch như khu Vườn Đào, Gò Giữa – Ruộng Thượng (thôn Phước Lộc), Vườn Đào – Rẫy Lớn  (thôn Phước Hòa) đều có diện tích tương đối bằng phẳng, hệ thống đường giao thông tương đối thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, lại cách xa khu dân cư nên rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia trại.

Bà Trần Thị Hồng Viên (thôn Phước Đức, xã Đức Phú) cho biết: “Nhà tôi có đàn trâu gần 10 con, nhưng nuôi trong khu dân cư thì rất khó để phát triển đàn. Vì vậy, khi nghe địa phương quy hoạch đất phát triển gia trại, tôi liền đăng ký thuê ngay 2ha trong thời hạn 30 năm để có thể mở rộng quy mô đàn hơn. Hiện, tôi đang chờ địa phương hoàn thành xong hệ thống điện, là sẽ dời ngay khu chăn nuôi vào đó”.

Nói về định hướng phát triển gia trại kiểu mẫu trong thời gian tới, ông Nguyễn Giáp Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú cho biết: “Trên phần diện tích đã quy hoạch, xã sẽ vận động người dân dành 30% diện tích xây dựng chuồng trại chăn nuôi; 70% còn lại sẽ trồng cỏ, mì... làm thức ăn chăn nuôi và cây ăn quả lâu năm, để đảm bảo nguồn thu nhập bền vững cho người dân”.

Đồng hành cùng người dân, trong tháng 8 tới, Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức sẽ hỗ trợ cây giống bơ sáp cho gia trại tại xã Đức Phú, còn UBND xã Đức Phú thì hỗ trợ cây chôm chôm giống. Đồng thời nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng về điện, nước để người dân yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.