Hai nghị quyết cho một công trình trọng điểm quốc gia

05:05, 21/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiếm có công trình trọng điểm Quốc gia nào mà số phận kỳ lạ như Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Ngay từ khi Dung Quất (Bình Sơn) được Chính phủ lựa chọn là nơi đặt NMLD đầu tiên của đất nước đã có những ý kiến trái chiều. Sự “chìm nổi” của NMLD Dung Quất còn được thể hiện qua việc đây là công trình được Quốc hội ban hành tới hai nghị quyết.

TIN LIÊN QUAN

Kể từ lúc Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ra Quyết định chọn Dung Quất là địa điểm xây dựng NMLD số 1 vào năm 1994, đến lúc NMLD Dung Quất cho ra mẻ dầu đầu tiên vào năm 2009 là 15 năm. Khoảng thời gian ấy trong nghị trường Quốc hội luôn "sóng gió".

Sự lựa chọn đầy khó khăn

Gần 20 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc về những “sóng gió” của dự án NMLD Dung Quất trên nghị trường Quốc hội, bà Nguyễn Thị Xuân Hương (62 tuổi) - nguyên ĐBQH khóa X (nhiệm kỳ 1997 - 2002) của tỉnh vẫn không thể quên được “sức nóng” của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa X. Đó là thời điểm bắt đầu số phận “đặc biệt” của NMLD số 1 của đất nước. Ngày làm việc thứ 16 (5.12.1997) của kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đầu tiên về dự án NMLD số 1 Dung Quất. Trong nghị quyết, Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng NMLD số 1 Dung Quất. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. “Để có sự đồng thuận này  nói thì nhanh như cái chớp mắt, chứ thật ra, những ngày ấy, cả nghị trường Quốc hội “nóng” lắm”, bà Hương hồi tưởng.

NMLD Dung Quất là công trình được Quốc hội ban hành tới hai nghị quyết.
NMLD Dung Quất là công trình được Quốc hội ban hành tới hai nghị quyết.


Theo bà Hương, trong chương trình nghị sự có nội dung xem xét, thông qua các Nghị quyết về việc thực hiện 3 dự án, công trình quan trọng của Quốc gia, gồm: Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Dự án khí - điện - đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Dự án NMLD Dung Quất. Nếu 2 dự án đầu tiên được Quốc hội thông qua nhanh, thì NMLD Dung Quất lại trở thành đề tài tranh luận sôi nổi. Ngay từ khi lựa chọn và cân nhắc bốn địa điểm để xây dựng NMLD số 1 của nước ta thì Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đứng đầu, tiếp theo là Vân Phong (Khánh Hòa), rồi Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cuối cùng mới tới Dung Quất (Quảng Ngãi). Khi ấy, không phải đại biểu nào cũng ủng hộ vị trí đặt NMLD ở Dung Quất.

Ông Hồ Sĩ Thoảng với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam-PVN), là ĐBQH khóa X, thuộc đoàn Quảng Ngãi, nên có tiếng nói rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tại hành lang Quốc hội liên tục diễn ra những cuộc “vận động” không biết mệt mỏi của ĐBQH tỉnh với những ĐBQH còn "phân vân", để tranh thủ sự ủng hộ của ĐBQH các tỉnh, thành phố về việc đặt NMLD ở Dung Quất. Và rồi, Dung Quất được lựa chọn với tỷ lệ ĐBQH ủng hộ trên 85%. Bà Hương bùi ngùi, kể: “Ngày Quốc hội thông qua nghị quyết về Dự án NMLD số 1 Dung Quất, các ĐBQH của tỉnh ai cũng nhẹ nhõm, như vừa trút được gánh nặng ngàn cân. Khi ấy, trong đầu tôi hình dung về nụ cười hạnh phúc, đôn hậu trên khuôn mặt nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người luôn chọn Dung Quất”.

Trĩu nặng "gánh nợ" với cử tri

Theo Nghị quyết đầu tiên của Quốc hội về NMLD Dung Quất, thì dự án sẽ được hoàn thành, chạy thử nghiệm năm 2001 và đi vào sản xuất từ năm 2002. Nhưng rồi số phận dự án vẫn rất... long đong. Đầu năm 2001, khi PVN đàm phán, mời được Tập đoàn Dầu khí của Nga cùng tham gia liên doanh đầu tư trên cơ sở đồng thuận, với tỉ lệ góp vốn mỗi bên 50%, cứ ngỡ NMLD Dung Quất sẽ sớm về đích. Thế nhưng, liên doanh nhanh chóng tan vỡ, bởi những tính toán của mỗi bên không thể gặp nhau. Ông Phạm Hữu Tôn - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người có nhiều năm trăn trở với NMLD Dung Quất, nhớ lại: “Những ngày ấy, lãnh đạo và người dân Quảng Ngãi cứ “ngóng” mãi về số phận của NMLD Dung Quất. Nghe tin liên doanh với Nga không thành, ai cũng buồn rười rượi. Sau đó, dự án bất động mấy năm trời. Thấy vậy, nhiều người dân xin về lại quê cũ, có người trở lại canh tác trên mảnh đất cha ông, vì không nỡ nhìn cảnh đồng hoang đất trắng”.

Đến giờ, ông Đinh Hoài Bắc (61 tuổi)- nguyên ĐBQH các khóa X, XI của tỉnh vẫn không quên những đôi mắt rưng rưng, từng giọng nói đậm chất miền biển nghèn nghẹn của người dân các xã Bình Trị, Bình Hải (Bình Sơn), nơi đặt NMLD Dung Quất, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri. Người dân ai cũng nặng ưu tư, vì họ đã quyết tâm ra đi để Dung Quất có một ngày mai tươi sáng hơn, nhưng lúc bấy giờ chỉ là bãi đất mênh mông, hoang vắng để chăn thả trâu bò. “Dung Quất đã trải qua những tháng ngày thăng trầm mà báo chí thời đó từng gọi là “thành phố trực thuộc... xã”. Nghe những lời nửa như trách móc, nửa như trải lòng của bà con, các ĐBQH ai cũng thấy mình nợ cử tri nhiều lắm. Bởi dường như, sự hy sinh của người dân chưa được đáp đền xứng đáng", ông Bắc tâm sự.

Dầu đã "chảy" trên vùng cát trắng

Theo kế hoạch, năm 2002, dự án sẽ hoàn thành, nhưng khi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI vào cuộc thì thông tin được công bố là phải tới tháng 12.2008 dự án mới hoàn thành và đi vào sản xuất đầu năm 2009. Trước đó, vào năm 2004, Chính phủ đã quyết định chấm dứt liên doanh thực hiện dự án này với phía Nga, dự án NMLD Dung Quất được xây dựng bằng nguồn vốn trong nước. Việc thời gian hoàn thành dự án bị chậm tới bảy năm (từ 2002 đến 2009), cùng với nhiều nguyên nhân khác làm tổng mức đầu tư dự án NMLD Dung Quất đội lên quá lớn (tổng mức đầu tư ban đầu là 1,5 tỷ USD, sau đó khoảng 2,5 tỷ USD) đã khiến nhiều ĐBQH không hài lòng và sẵn sàng cho một cuộc "chất vấn nảy lửa" với những người có trách nhiệm.

Theo ông Đinh Hoài Bắc, hội trường Quốc hội ngày 8.6.2005 diễn ra một cuộc chất vấn căng thẳng đến “ngộp thở”. Đó là cuộc chất vấn của ĐBQH dành cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải (khi ấy đang là ĐBQH khóa XI thuộc đoàn Quảng Ngãi) về sự chậm trễ và số vốn đầu tư bị đội lên. Nhiều đại biểu gay gắt “truy” trách nhiệm trong việc để xảy ra sự chậm trễ của dự án, vai trò của Chính phủ trong quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện dự án. Một số đại biểu còn đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét lại vị trí đặt NMLD Dung Quất. Đến lúc Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đăng đàn trả lời chất vấn, các ĐBQH đoàn Quảng Ngãi dường như nín thở. Ai cũng xem đây là “thời khắc quyết định” cho NMLD Dung Quất. Bằng những lập luận khoa học, thuyết phục, minh bạch từng thông tin mà nhiều đại biểu còn nghi vấn, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đã tạo được niềm tin ở các ĐBQH khác rằng, NMLD Dung Quất sẽ hoàn thành và đóng góp rất quan trọng vào nền kinh tế chung của đất nước.

Cuộc chất vấn kết thúc, “sóng gió” lắng xuống, Quốc hội khóa XI đã thống nhất ban hành Nghị quyết về việc tập trung chỉ đạo xây dựng NMLD số 1 Dung Quất. Đây là nghị quyết thứ 2 của Quốc hội về NMLD Dung Quất. Nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc xây dựng NMLD số 1 Dung Quất trong năm 2008, đưa nhà máy vào sản xuất trong năm 2009. Nghị quyết nêu rõ: “Quốc hội nhận thấy việc chưa tập trung chỉ đạo đúng mức công tác chuẩn bị, triển khai và giám sát thực hiện dự án xây dựng NMLD số 1 Dung Quất để dự án bị chậm nhiều năm, gây lãng phí lớn về kinh tế, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của nhân dân, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp phải xử lý là khuyết điểm lớn của Chính phủ và Quốc hội, cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình chỉ đạo xây dựng các công trình quan trọng quốc gia”.

Từ sau nghị quyết này, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát kịp thời của Quốc hội, cùng những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Quảng Ngãi, Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công, NMLD Dung Quất đã hoàn thành đúng hẹn. Vào lúc 21 giờ đêm ngày 22.2.2009, dòng dầu thương mại đầu tiên của NMLD Dung Quất đã chính thức xuất ra thị trường. Đây chính là mốc đánh dấu sự hiện diện chính thức của một NMLD hiện đại đầu tiên do chính Việt Nam tự bỏ vốn đầu tư; đồng thời cũng khép lại quãng thời gian nhiều trắc trở của NMLD Dung Quất. Vùng cát trắng năm xưa đã được "rót dầu", người dân đâu đâu cũng rạng ngời niềm vui; Dung Quất đã trở thành đầu tàu thúc đẩy Vùng kinh tế trong điểm miền Trung phát triển, khai sinh ngành công nghiệp hóa dầu của đất nước.
 

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.