Đầu tư phát triển CCN: Cần phải có trọng điểm

02:05, 18/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 20 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 220ha và 104 dự án đăng ký đầu tư, vốn đăng ký trên 1.615 tỷ đồng, lao động đăng ký 9.686 người. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vốn triền miên và sự thiếu linh hoạt của địa phương đã khiến hạ tầng các CCN Quảng Ngãi đầu tư dang dở.

TIN LIÊN QUAN


“Manh mún” CCN

Mặc dù nằm cách trung tâm hành chính và Quốc lộ 1 trên 2km, nhưng đến giờ CCN Đồng Làng (Đức Phổ) vẫn vô cùng nhếch nhác, khói bụi mù mịt mỗi khi có xe tải ra vào. Không bảng hiệu, không cây xanh, đường giao thông nham nhở, không hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ lấp đầy mới đạt 42%... đó là thực tế ở CCN này.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, Cụm Công nghiệp Đồng Làng chỉ thu hút được Công ty CP Gạch Phổ Hòa đầu tư.
Sau 6 năm đi vào hoạt động, Cụm Công nghiệp Đồng Làng chỉ thu hút được Công ty CP Gạch Phổ Hòa đầu tư.


Theo quy hoạch, CCN Đồng Làng có tổng diện tích trên 20 ha. Trong đó đất dành cho công nghiệp, kho bãi chiếm gần 70%, còn lại là đất giao thông, công trình công cộng, dịch vụ, cây xanh... Đây là CCN có quy mô vừa, được bố trí các ngành công nghiệp ít ô nhiễm môi trường, bao gồm công nghiệp chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, công cụ nông nghiệp, điện tử và một số loại hình công nghiệp nhẹ khác, dự kiến thu hút trên 2.000 lao động. Tuy nhiên, sau 6 năm xây dựng, thu hút đầu tư, đến nay CCN Đồng Làng mới có một doanh nghiệp vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động ở địa phương.

Ông Nguyễn Mậu Huy – Giám đốc Công ty CP Gạch Phổ Hòa cho biết: “Ngoài mặt bằng thì đến nay Nhà nước vẫn chưa đầu tư gì vào CCN Đồng Làng. Khổ nhất là con đường chính dẫn vào CCN khoảng 1km còn là đường đất. Mùa nắng thì bụi bặm, còn mùa mưa nhầy nhụa. Bên cạnh đó, đường nội bộ, hệ thống thoát nước cũng chưa được quan tâm, khiến hoạt động của Công ty gặp nhiều khó khăn”.

Ngoài CCN Đồng Làng, Đức Phổ còn có 3 CCN khác nhưng cũng chỉ có CCN Sa Huỳnh thu hút được 11 dự án đầu tư. Còn lại CCN Phổ Phong từ ngày thành lập đến nay cũng chỉ có 3 dự án đầu tư. Riêng CCN Phổ Hòa mới thành lập trong năm 2015.

Không riêng gì Đức Phổ mà hiện nay, hạ tầng kỹ thuật ở các CCN trong tỉnh còn nhiều yếu kém. Tình trạng ô nhiễm môi trường; thiếu hệ thống giao thông, xử lý nước thải; năng lực thu hút đầu tư chưa cao, thậm chí có CCN chỉ thu hút được 1-3 doanh nghiệp đầu tư... là những gì đang diễn ra ở một số CCN trong tỉnh.

Thu hút có chọn lọc

Việc quy hoạch,  đầu tư xây dựng CCN  là chủ trương lớn nhằm tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề cần xem xét  là lộ trình phát triển các CCN như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương là điều nên tính toán.

Không thể phủ nhận phát triển các CCN là để thu hút các nhà đầu tư, tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, cũng vì chạy theo việc phát triển về số lượng các CCN, nên không ít địa phương  chưa  chú trọng đến  nhiều lĩnh vực khác liên quan mật thiết đến thu hút đầu tư như cải cách hành chính, cơ chế ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, nguồn vốn khuyến công của tỉnh cấp về cho các địa phương quá ít, nên mới chỉ mở vài lớp đào tạo nghề và hỗ trợ  máy móc cho được vài ba doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Hoài – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Doanh nghiệp đòi hỏi có CCN để có mặt bằng đầu tư xây dựng nhà máy. Thế nhưng, theo Quyết định 105 của Chính phủ, ngân sách nhà nước không cấp cho việc đầu tư hạ tầng CCN mà phải có một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng để kinh doanh hạ tầng riêng. Trong khi đó, trên địa bàn Quảng Ngãi vẫn chưa có doanh nghiệp nào làm việc này. Chính vì vậy, trước mắt mình chỉ có thể quy hoạch rồi phân lô, chia cho doanh nghiệp để họ tự làm. Do đó, thay vì thu hút tràn lan như trước thì bây giờ phải chọn lọc những ngành “sạch” vào CCN. Không vì nôn nóng giải quyết lao động mà thu hút bằng mọi giá.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.