TP. Quảng Ngãi: Nỗ lực vươn tới những tầm cao

02:04, 10/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dọc chiều dài Bắc - Nam của đất nước, TP. Quảng Ngãi nằm ở trung đoạn giữa Thủ đô Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Đột phá từ hạ tầng đô thị

Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng cho biết, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng được Đảng bộ thành phố xác định là nhiệm vụ đột phá, nên đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều chương trình hành động, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện. Trong 5 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố trên 9.140 tỷ đồng, chiếm 44% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng, với 34 tuyến đường (dài 46,5km) được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng. Các dự án đường Hoàng Hoa Thám, bờ nam sông Trà Khúc, Mỹ Trà - Mỹ Khê, Nguyễn Trãi, Bàu Giang - Cầu Mới, nâng cấp cầu Trà Khúc I... cũng được đầu tư xây dựng đã tạo nên bộ mặt khang trang cho thành phố. Ngoài ra, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, bưu chính viễn thông được đầu tư phát triển cơ bản, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
 

 

Một góc TP.Quảng Ngãi hôm nay.
Một góc TP.Quảng Ngãi hôm nay.

“Chính nhờ hệ thống hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư đồng bộ đã đem lại cho thành phố một diện mạo mới khang trang hơn, góp phần đưa thành phố đạt chuẩn của đô thị loại II, đúng theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra”, ông Phạm Tấn Hoàng nói.

Giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ TP. Quảng Ngãi đề ra chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 11 - 12%; thu ngân sách năm 2020 đạt 2.600 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 3.000 USD/người/ năm; 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số xã còn lại đạt 14 tiêu chí nông thôn mới trở lên. Tỷ lệ đô thị hoá đạt 60%. Xây dựng và phát triển xã Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Tịnh Khê, Tịnh Ấn Tây và Nghĩa Phú thành phường.
Kinh tế tăng trưởng mạnh

Cùng với sự đổi thay mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, những năm gần đây kinh tế của TP.Quảng Ngãi có sự tăng trưởng đáng khích lệ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng tỷ trọng dịch vụ. Giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trên 14%, trong đó thương mại - dịch vụ tăng 16,59%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,1%. Giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế đạt 10.479 tỷ đồng (tăng 5.327 tỷ đồng so với năm 2010); thu nhập bình quân đầu người đạt 2.550 USD/người/năm. Riêng năm 2015, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố đạt 44.560 tỷ đồng (tăng 13,16%). Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 48,32%; công nghiệp - xây dựng 38,12%; nông, lâm, ngư nghiệp 13,56%. Quý I/2016, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 7.212 tỷ đồng (27,93% KH năm).

Trong các ngành kinh tế của thành phố thì thương mại- dịch vụ phát triển mạnh mẽ nhất với nhiều ngành hàng, mặt hàng đạt doanh thu cao và tăng nhanh như trang thiết bị nội thất, quần áo, thuốc tân dược, điện máy, điện thoại, máy tính, xe máy... Bên cạnh đó, thành phố đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Chợ đầu mối nông sản, xây dựng Chợ Quảng Ngãi (sắp đưa vào sử dụng), hình thành chợ đêm và một số khu vực chuyên kinh doanh ngành hàng, sản phẩm đặc trưng, tạo thuận lợi cho việc giao thương, mua bán và thu hút khách đến tham quan, mua sắm.

Những định hướng chiến lược

Theo Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng, mục tiêu chiến lược thành phố đề ra trong giai đoạn 2015-2020 là sẽ xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị “năng động và thân thiện”. Để đạt mục tiêu trên, thành phố tập trung phát triển mạnh các ngành kinh tế chủ lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, coi đây là nhiệm vụ đột phá nhằm xây dựng và phát triển thành phố hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II. Đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý đô thị và tài nguyên môi trường. Đầu tư phát triển văn hóa – xã hội tương xứng với phát triển kinh tế. Giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 

.